Chị quanh năm tất bật buôn bán trên đôi chân dị tật bẩm sinh, nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện kỳ lạ không ngờ tới...
Bà mối bất đắc dĩ
Nhà có tất cả 7 người con gái đặt tên lộn xộn trong thời chiến: Khôn, Khang, Khanh, Tân, Tính, Tuyết, Mai thì chị Thái Thị Tính là người chịu thiệt thòi nhất. Khi ra đời, đôi chân của chị không được bình thường mà phần bàn chân lại úp ngược lên trên khiến cho việc di chuyển vô cùng khó khăn.
Nhà nghèo, chiến tranh ở vùng đất thép quá ác liệt, từ nhỏ chị Tính đã thay mẹ chăm em. Cô Thái Thị Ngọc Mai, hiện là Hiệu phó Trường tiểu học Vĩnh Nam (H.Vĩnh Linh), kể: “Hằng ngày, chị Tính đi hốt trấu ở nhà máy xay xát lúa gần nhà rồi sàng, sảy lấy gạo sót lại ấy nấu cơm cho cả nhà.
Hồi đó, cả làng đều làm nghề này mới có cái ăn nên bị chủ máy gạo đuổi dữ lắm, may thấy chị bị dị tật nên mới được thương tình... bỏ qua. Mà chị Tính giỏi lắm, làm gì là làm cho bằng được. Đi học thì giỏi hai môn toán và lý nhưng hồi thi vào cấp 3 (hệ 10 năm), do bị bạn bè trêu ghẹo nhiều quá, tủi thân nên chị phải bỏ học giữa chừng”.
Gạt vội dòng nước mắt, cô Mai kể tiếp: “Tôi là con út, lúc mới đẻ đúng có 7 lạng nên bị suy dinh dưỡng nặng. Nhờ hồi đó bộ đội mình có thuốc tốt nên sống nổi chứ không thì tiêu lâu rồi. Ba tôi nhắc, có lần địch bắn pháo dữ quá, chị Tính ôm tôi trong đống đồ cũ chạy xuống hầm trú ẩn vào buổi chiều chập choạng. Khi tới nơi, tôi nhỏ quá bị lọt rơi ra ngoài lúc nào không biết. Bom đạn vậy mà chị quên cả tính mạng bò theo giao thông hào cố tìm, mới phát hiện tôi đang nằm thoi thóp. Tình chị em sống chết như vậy nên không bao giờ tôi rời xa chị được”.
Vì thế, khi thấy chị Tính đã lớn tuổi vẫn ở vậy lầm lũi với nghề may vá để nuôi cả nhà, ai cũng thương. Mai mối ở đâu chị cũng không chịu. Tháng 3.1994, lúc này cô giáo Mai ra trường về dạy tại Trường tiểu học Vĩnh Ô (H.Vĩnh Linh), cùng chị Nguyễn Thị Thủy.
Tại một buổi sinh hoạt chuyên môn, bạn bè hỏi nhiều về gia đình chị Mai, đặc biệt là quan tâm đến trường hợp của Tính. Nhiều người còn “hiến kế”: “Sao Mai không nói chị Tính kiếm ai đó cho đứa con để nuôi sau này về già có con cái chăm sóc, đỡ đần”.
“Trên đường từ lớp về ngang qua cánh rừng vắng. Lúc ấy khoảng 4 giờ rưỡi chiều đang đi đằng sau, tôi vội băng ngang lên phía trước, cất giọng: Mai ơi, hồi chiều tau nghe mi kể về chị Tính mà tau thương lắm. Hay là mi về nói với chị Tính, tau về nói với anh An chồng tau cho nó đứa con chứ tội…”, chị Nguyễn Thị Thủy nhớ lại.
Quá bất ngờ với lời đề nghị của người bạn đồng nghiệp, cô Mai vội vàng về kể cho chị Tính nghe. “Lúc đầu, chị Tính phản ứng dữ lắm, cứ một mực không chịu, tôi dùng đủ các biện pháp mạnh có, nhẹ có cũng không ăn thua. May mà lúc đó, tôi đang chủ nhiệm lớp cháu Trường, con trai anh An và chị Thủy, biết cháu hưởng gien anh An khôi ngô, học rất giỏi về cứ khoe với chị Tính nên dần dần chị mới xiêu lòng để phối hợp cùng thực hiện phi vụ này đó chứ”, chị Mai cười sảng khoái.
Chị Thái Thị Tính dù đôi chân tật nguyền vẫn tất bật mưu sinhẢNH: QUỲNH TRÂN
|
Một kết thúc thật có hậu
Trở lại “nhân vật trung tâm” Nguyễn Đăng An, năm 1972 anh An học sư phạm ở Vinh rồi 3 năm sau tổng động viên vào quân đội, sau này ra quân về nhà được hưởng chính sách thương bệnh binh, anh chăm chỉ chuyên cần làm vườn và chăn nuôi trên một khu đất đồi của gia đình ở H.Vĩnh Linh.
Tâm sự với chúng tôi, anh An cho biết: “Lúc ấy, tôi hoàn toàn không hề hay biết gì về sự sắp đặt của cô Mai và bà xã cả. Tôi chỉ nhớ có lần đi dạy về, vợ mang trường hợp chị Tính ra úp úp mở mở cho tôi nghe để thăm dò. Dần dà “mưa dầm thấm lâu”, vợ tôi bàn hay là ông giúp cho chị ấy có đứa con để nương tựa lúc ốm đau.
Hồi đó, việc này là hệ trọng và áp lực đối với người thân và dư luận dữ lắm nên tôi rất sợ. Người đời hay nói, cho gì cũng cho chứ ai lại đi cho chồng bao giờ. Nhưng rồi được vợ và cô Mai động viên, kể mãi về trường hợp của chị Tính, tôi thấy thương lúc nào không biết nên... quyết định”.
Đến bây giờ cô giáo Thái Thị Ngọc Mai vẫn không quên ngày chị Thủy đưa anh An xuống thăm nhà cô Mai cho biết mặt chị Tính đúng vào dịp 20.11. Anh An hai tay ôm tấm chăn bông mặt mày căng thẳng, dù trước đó đi dạy về cô Mai đã gặp anh An đạp chiếc xe cọc cạch đứng đợi ở cánh rừng sau nhà để bàn tính kế hoạch. “Chị Tính lại thường may vá ở trong nhà nên trắng trẻo, xinh tươi, dẫu ngồi bên ánh đèn dầu, dù mới lướt qua nhưng tôi biết anh An cảm mến rồi”, chị Mai tự tin.
Vợ anh An hồn nhiên: “Từ bữa gặp đó, tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho anh An xuống nhà đưa chị Tính đi chơi. Một số ý kiến nói này nói nọ với tôi, có người cũng cay nghiệt lắm nhưng tôi vẫn cố ráng chịu đựng. Vợ chồng tôi may mắn trong cuộc sống có con cái đủ đầy thì phải giúp đỡ để Tính có được đứa con chứ, hẹp hòi với chị ấy làm gì…”.
Khi chị Thái Thị Tính thông báo tin vui, hai bên gia đình mừng lắm. Tuy nhiên, dân trong làng xôn xao bàn tán không biết cha đứa trẻ là ai. Chị Tính lại càng sợ không dám ra đường. Những người ở gần thì chẳng tin chị Thủy lại dám nhường chồng cho chị Tính kiếm một đứa con.
Nguyễn Thái Sơn, con trai chị Tính sau này càng lớn lại càng giống Trường, con anh An và chị Thủy như đúc. Tuy nhiên, để tránh chuyện lời ra tiếng vào đến năm Sơn lên lớp 10, chị Tính mới cho anh An tiến hành các thủ tục nhận cha theo quy định của pháp luật, dù từ nhỏ chị Thủy luôn thương và chăm sóc Sơn như con của mình và Sơn cũng xem mẹ Thủy như mẹ ruột thứ hai.
Một tay cầm tay mẹ Thủy và một tay cầm tay mẹ Tính, Nguyễn Thái Sơn rưng rưng nói với chúng tôi: “Em mong ước hai mẹ của em sống thật lâu để có cơ hội được báo hiếu cho những hy sinh quá tuyệt vời của hai mẹ. Em càng thương bố nhiều hơn, vì bố đã bước qua được những dị nghị của dư luận để mới có được em trong cuộc đời này...”.
Vào những ngày này, ghé thăm mái ấm nhỏ của chị Thái Thị Tính ở khóm Thắng Lợi, TT.Hồ Xá (H.Vĩnh Linh) sẽ nghe trong nhà luôn tràn ngập tiếng cười vì cháu Nguyễn Thái Sơn đã tốt nghiệp và đang làm việc ở TP.HCM. Hai gia đình từ lâu đã gắn kết trở thành một gia đình lớn. Mỗi khi có rau củ quả vườn nhà, chị Thủy lại gửi ra ngôi chợ quê nhờ chị Tính bán giúp kiếm đồng ra đồng vào. Còn chị Tính có món gì ngon cũng gửi biếu chị Thủy và anh An.
Thỉnh thoảng hai chị có dịp gặp nhau lại hủ hỉ, tâm sự như chị em ruột. Ngày quan trọng nào của hai bên gia đình, tất cả anh em, con cái đều sum họp hạnh phúc.
Còn ở chợ Hồ Xá, chị Thái Thị Tính với đôi chân tật nguyền nhưng vẫn “vượt lên số phận”, hằng ngày làm lụng để nuôi hy vọng về một tương lai tươi sáng cho đứa con trai Nguyễn Thái Sơn mưu sinh nơi phương nam xa xôi, như đang viết tiếp về một câu chuyện đời về tình người trên quê hương đất thép Vĩnh Linh.
Lê Công Sơn