Chuyên nghiệp hóa xúc tiến thương mại-đầu tư thời “vạn vật kết nối” 

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ ở cả ba cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Việc xây dựng một chiến lược trọng tâm; kết nối hiệu quả hệ thống xúc tiến thương mại, đầu tư chuyên nghiệp giữa thị trường, ngành nghề trong và ngoài nước sẽ đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Một gian hàng Việt Nam tại một hội chợ quốc tế.

Trên thế giới, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển của kinh tế thị trường và kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, người ta không chỉ nói đến quy luật tự nhiên “vạn vật hấp dẫn” mà càng ngày càng nói nhiều đến các thị trường tự do với quy luật “ vạn vật kết nối” (Internet of things) nhờ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ.

Trong khu vực, trải qua 50 năm hình thành và phát triển, và đặc biệt trong 10 năm qua, khu vực sản xuất và dịch vụ trong ASEAN được tự do hoá đang hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Hiện ASEAN là một trong những tổ chức khu vực có nhiều hiệp định thương mại nhất và đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở ra không gian rộng lớn cho thương mại, đầu tư không chỉ trong khu vực Đông - Nam Á, mà còn cả khu vực Thái Bình Dương. ASEAN cũng đang thảo luận với Canada về hình thành một hiệp định thương mại tự do; thảo luận với Cộng đồng kinh tế Á - Âu về khả năng hình thành một hiệp định thương mại tự do.

Trong nước, nền kinh tế Việt Nam với sự chỉ đạo của một Chính phủ kiến tạo, đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với đà tăng trưởng nhanh và bền vững. Năm 2017 đánh dấu mức tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 10 năm qua, đạt 6,81%, GDP đạt trên 200 tỷ USD. Vốn FDI đạt trên 35 tỷ USD và kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục trên 400 tỷ USD.  Trong năm 2017, có những thời điểm VN-Index đã tiến sát mốc 1.000 điểm - một con số kỷ lục trong gần 10 năm qua. Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong bối cảnh đó, cạnh tranh sẽ là quy luật tất yếu của sự phát triển đang chuyển từ lượng sang chất. Đặc biệt, giai đoạn 2018-2022, nhiều dòng thuế hàng hoá dịch vụ trong danh mục “nhạy cảm” giảm xuống 0%. Để nâng cao sức cạnh tranh, có 3 xu hướng phát triển doanh nghiệp cần lưu ý:

- Nền công nghiệp sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ chiến lược sẽ là lĩnh vực cốt lõi, trong đó chất lượng là yếu tố cạnh tranh thay vì giá cả, vì ở thị trường trong nước thuế quan giảm làm cân bằng giá hàng hoá, dịch vụ. Ngoài ra, hàng hoá muốn xuất khẩu theo các chương trình hội nhập kinh tế cam kết thì phải đạt được tỷ lệ nội địa hoá.

- Bên cạnh sự đổi mới, sáng tạo thì tính chuyên nghiệp trong việc áp dụng khoa học công nghệ và hợp chuẩn quản lý sẽ là thước đo của quản trị doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.  Thời kỳ của quản lý kỹ trị đang và sẽ thay thế cách quản lý nhân trị. Ở cấp độ doanh nghiệp thì tính hiệu quả sẽ được đo đếm không chỉ bằng lợi nhuận, tiền lương mà còn là sự tuân thủ pháp luật, sự hài lòng của khách hàng, khả năng dẫn dắt thị trường cũng như đảm bảo tốt điều kiện làm việc của người lao động.

- Phát triển bền vững đang là xu thế phát triển của các quốc gia, trong đó tập trung vào những mô hình đầu tư sản xuất đảm bảo phát triển kinh tế nhưng vẫn phải kiểm soát được các vấn đề tác động đến môi trường và xã hội. Hơn nữa, với dân trí và thu nhập người dân ngày một nâng cao, người dân đang trở thành những người tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm xã hội.

Trong tiến trình thay đổi của cục diện kinh tế khu vực và toàn cầu, cần phải có những bước đi chuyên nghiệp trong việc xây dựng và phát triển hệ thống xúc tiến thương mại, đầu tư theo hướng trọng tâm, tổ chức liên kết ngành và kết nối xúc tiến tại thị trường đối tác trọng điểm của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam cần xây dựng chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế trọng tâm và xác định hàng hoá, dịch vụ cốt lõi có sức cạnh tranh cao và có sức lan toả mạnh để có thể xây dựng các chính sách hợp chuẩn về kỹ thuật, chất lượng và quản lý trong sản xuất và công nghiệp; phải triển khai các bước đi có tổ chức, chuyên nghiệp trong liên minh các ngành nghề ở các lĩnh vực sản xuất và công nghiệp quan trọng như: du lịch, logistics, điện tử, năng lượng, nông nghiệp xanh, cơ khí, công nghiệp biển... nhằm tạo ra sự liên kết các ngành công nghiệp cốt lõi để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt và kết nối chuỗi giá trị nội địa với chuỗi giá trị toàn cầu.

Hơn nữa, cần chủ động xây dựng các liên kết, hiệp hội ngành nghề doanh nghiệp Việt Nam (hệ thống Vietcham ở nước ngoài) ở các thị trường đối tác chiến lược để xúc tiến thương mại hàng hoá có chất lượng, mở rộng thị phần ở nước ngoài; từng bước đẩy mạnh đầu tư khi những  thị trường này có cơ hội đảm bảo kinh doanh.

Trong quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, việc xây dựng một chiến lược trọng tâm; kết nối hiệu quả hệ thống xúc tiến thương mại, đầu tư chuyên nghiệp giữa thị trường, ngành nghề trong và ngoài nước sẽ đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đảm bảo sự thành công của một Chính phủ kiến tạo. Cùng với động lực của thời đại “vạn vật kết nối”, sự chủ động và đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ định vị được năng lực cạnh tranh quốc tế của hàng hoá và dịch vụ Việt Nam.

TS. Đoàn Duy Khương
Phó Chủ tịch VCCI

465 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1253
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1253
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87143139