|
Các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu tham quan gian trưng bày của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hội báo toàn quốc năm 2022, sáng 13/4. (Ảnh: TD) |
Sau hai năm tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sáng 13/12, Hội Báo toàn quốc 2022 được tổ chức trên quy mô quốc gia với sự tham gia rộng rãi của các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo cả nước. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với giới báo chí mà cả xã hội nói chung, là lời khẳng định đất nước đã chuyển sang giai đoạn mới sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; là hoạt động thiết thực trong việc tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2022); 97 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022)…
Hội Báo toàn quốc 2022 tôn vinh những thành tựu to lớn của báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí gắn liền với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước; tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, khích lệ giới báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân; góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống xã hội nói chung. Đồng thời là dịp biểu dương, động viên những đóng góp của các tổ chức, cá nhân, vào sự nghiệp báo chí cách mạng của cả nước.
Điều này đã được đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định khi phát biểu tại lễ khai mạc Hội Báo sáng nay: Hội Báo toàn quốc năm 2022 là hoạt động giàu ý nghĩa chính trị, xã hội và văn hóa, giàu chất trí tuệ, làm sinh động, phong phú thêm đời sống báo chí, là dịp để biểu dương lực lượng báo chí cách mạng, tạo không khí thi đua giữa các nhà báo, các cơ quan báo chí và các Hội Nhà báo, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động báo chí, đưa báo chí gắn bó mật thiết hơn với đời sống của Nhân dân.
Theo chương trình, Hội Báo toàn quốc 2022 diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, có sức lôi cuốn như: Tổ chức trưng bày các ấn phẩm báo Xuân và các ấn phẩm báo chí tiêu biểu đầu năm 2022 (Bao gồm Báo Tết Dương lịch, số Xuân Nhâm Dần 2022 - Tất niên - Tân niên)… Đáng chú ý, tại Hội Báo toàn quốc 2022 có rất nhiều hoạt động có ý nghĩa về chính trị, xã hội, nghề nghiệp tạo điểm nhấn, làm nên nét đặc sắc cho Hội báo như: Trưng bày “100 năm Báo Le Paria” (Người cùng khổ); Triển lãm ảnh báo chí “Những nẻo đường xuân”; Diễn đàn: “Vấn đề hôm nay: Chuyển đổi số”; Tọa đàm: “Chuyện nghề: Hai chữ Nhân Văn”; Chương trình ca nhạc: “Giọng hát hay những người làm báo”…
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội Báo toàn quốc 2022 cho biết: So với các Hội Báo toàn quốc những năm trước, năm nay, Hội Báo đứng trước tình hình mới của đời sống xã hội và báo chí. Đặc biệt là những thách thức rất lớn mà báo chí đang phải đương đầu vượt qua trong xu hướng chuyển đổi số. Vì thế, Ban Tổ chức đã chọn chủ đề “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra. Bởi vì trong xu hướng chuyển đổi số, có rất nhiều cơ quan báo chí tận dụng được nền tảng công nghệ mới gắn với việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo nên tạo ra được những hướng đi mới bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Nhưng việc đổi mới, sáng tạo phải được gắn với trách nhiệm của người làm báo, chính là thông điệp mà Ban tổ chức mong muốn gửi đến qua Hội Báo này cũng như tinh thần xuyên suốt của Đại hội XI.
Mặt khác, Hội Báo toàn quốc chính là tấm gương phản chiếu rõ nét sự phát triển của báo chí mà mỗi người làm báo đều mong chờ để thấy được sự phát triển đó. Và chính sự phát triển đó cũng sẽ nhân lên mạnh mẽ gấp bội lần nếu tất cả các nhà báo, phóng viên cùng chung lý tưởng nghề nghiệp, đó là phụng sự đất nước, vì lợi ích của dân tộc và nhân dân Việt Nam.
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, bất kỳ giai đoạn phát triển nào, người làm báo luôn đoàn kết hướng về mục tiêu chung, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Tính chuyên nghiệp đặt ra yêu cầu mỗi nhà báo và cơ quan báo chí hành nghề trên cơ sở hành trang tri thức, kỹ năng nghiệp vụ, khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động báo chí được thực hiện bằng chính sách quản lý kịp thời, sát thực tiễn, hỗ trợ báo chí phát triển.
Tính hiện đại được thể hiện bằng phương pháp làm báo tiên tiến, tận dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ đưa thông tin tới bạn đọc một cách chính xác, nhanh chóng và thuận tiện nhất. Tính nhân văn thể hiện qua việc bảo vệ, phát triển những giá trị văn hóa, phẩm cách của từng cá nhân cũng như của cộng đồng, góp phần định hướng dư luận xã hội vì mục tiêu chung của đất nước.
Có thể nói, chủ đề của Hội Báo cũng như quá trình hơn 90 năm xây dựng và phát triển của nền báo chí cách mạng cũng đã chứng minh chân lý này. Điều này cũng đã được nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương nhấn mạnh khi thăm gian trưng bày của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo chí cách mạng luôn đồng hành và có những đóng góp hết sức to lớn và hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh bại những kẻ thù xâm lược, xóa bỏ áp bức bóc lột, giành độc lập dân tộc, mang lại tự do hạnh phúc cho Nhân dân, tiếp tục sự nghiệp xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo nhà báo lão thành Hà Đăng, báo chí đã làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình là đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với dân để dân hiểu, dân biết và làm theo. Đồng thời tập trung phản ánh những vấn đề bức xúc, những điểm “nóng”, những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phản biện chính sách, qua đó gợi mở, góp ý, bổ sung vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 hai năm qua, báo chí là một trong những lực lượng ở tuyến đầu. Cả hệ thống báo chí đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Các tòa soạn làm việc ngày đêm, ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có phóng viên báo chí. Điều này đã được thể hiện khá rõ qua các gian trưng bày, những bộ ảnh được triển lãm tại Hội Báo.
Có thể nói, chủ đề của Hội Báo toàn quốc 2022 là: “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn” đã chuyển tải thông điệp: Mỗi người làm báo cần nêu cao tinh thần làm nghề vì lý tưởng, mục đích cao quý phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, nhân dân. Điều đó chỉ có thể có được khi mỗi người làm nghề thấm nhuần tinh thần làm nghề phải có trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức người làm báo.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đề nghị mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo cần nhận thức đúng đắn vai trò xây đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đất nước; con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhà nước và nhân dân ta đang tiến hành; niềm tin vào những phẩm giá tốt đẹp, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như tương lai tươi sáng mà chúng ta đang hướng tới.
Dù cách thức làm báo có thể khác so với trước đây, song đạo đức, lý tưởng làm nghề vẫn không bao giờ thay đổi. Báo chí phải luôn khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, công bằng và cân bằng, báo chí phải vì lợi ích của cộng đồng, của đất nước và nhân dân. Đó là lý tưởng cao cả của người làm báo cách mạng Việt Nam./.