Chuyển hướng thu hút vốn FDI  

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh mới, cần tập trung phát triển về chất hơn là về lượng, các DN FDI cần có trách nhiệm đóng góp lợi nhuận để đào tạo, làm sao công nghệ "cắm" được vào người Việt, doanh nghiệp Việt.

 

 

Ảnh buổi toạ đàm. VGP/Huy Thắng


Đây là nội dung trao đổi tại Toạ đàm trực tuyến: "Định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới" vừa diễn ra.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa (ở miền Bắc), Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam) thì đóng góp của khu vực FDI đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố.  Điển hình là Bắc Ninh, nhờ thu hút có hiệu quả FDI mà chỉ trong 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, hiện nông nghiệp chiếm khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 82%.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, thực tế cũng cho thấy FDI đang bộc lộ những mặt hạn chế, thậm chí là tiêu cực như tình trạng gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá, sử dụng công nghệ lạc hậu của một số dự án. Tỷ lệ vốn FDI thực hiện còn thấp so với tổng vốn đăng ký; việc sử dụng tài nguyên còn lãng phí, dự án công nghệ cao còn hạn chế…

Lưu ý về những thách thức, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, cần cẩn trọng trước những nguy cơ. “Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ mất trắng, bởi nhà đầu tư vào đầu tư dự án lớn có thể kéo theo những bê bối, kéo theo hàng nghìn lao động nước ngoài.” TS Phan Hữu Thắng lưu ý.

Cần định hướng mới để hướng tới công nghiệp 4.0

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE đưa ra nhiều khuyến nghị về định hướng thu hút FDI. Cụ thể là, trong khi vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển thì cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Ông Nguyễn Mại cho rằng, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, đặc biệt, với các địa phương đã phát triển cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.  Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển vẫn phải chấp nhận đầu tư giá trị thấp, nhưng bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường.

Có cùng quan điểm, ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cần xem xét lại và xây dựng định hướng thu hút FDI trong thời gian tới theo hướng bền vững, không chỉ kinh tế mà phải bảo đảm cả xã hội, môi trường.

Thay vì số lượng như trước, nay cần chuyển hướng quan tâm về chất lượng và phát triển bền vững.  Ngoài ra, cần tính đến yếu tố nữa là xu hướng đặc biệt với sự gia tăng rất nhanh của góp vốn và mua cổ phần (M&A), ước đạt 4,16 tỷ USD từ đầu năm và đạt 5 tỷ USD trong năm nay. Xu hướng này sẽ ngày càng mạnh hơn. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang mất dần ranh giới, sẽ tác động tới chính sách thu hút FDI trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, phải đánh giá cả đồng đều cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. 

“Tôi đề nghị cần phải đánh giá đầu tư nước ngoài, thời gian tới, không thể “nuông chiều” đầu tư nước ngoài một cách thái quá, không đúng với định hướng của thu hút đầu tư nước ngoài như chúng ta đề ra ban đầu về chuyển giao công nghệ.” ông Phúc nhấn mạnh.

Về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, TS. Phan Hữu Thắng bày tỏ quan điểm, cần đặt vấn đề trách nhiệm nhà đầu tư với Việt Nam, khi FDI đạt lợi nhuận tại đây, cũng cần phải chịu trách nhiệm đóng góp lợi nhuận để đào tạo, làm sao công nghệ "cắm" được vào người Việt, doanh nghiệp Việt.

“Thậm chí, chỉ cần tập trung giải ngân 150 tỷ USD vốn chưa giải ngân lúc này. Với việc thu hút đầu tư mới, cần lựa chọn có điều kiện.” TS Phan Hữu Thắng khuyến nghị.

Ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG lưu ý, ngoài các khía cạnh về mặt con số, chúng ta cần đánh giá đầu tư nước ngoài về chất lượng, lan tỏa và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về thu hút đầu tư các dự án dưới 1 triệu USD, hiện Nhật Bản vẫn đầu tư vào các dự án công nghệ hiện đại mặc dù quy mô nhỏ nhưng vẫn chất lượng.

Nhấn mạnh yếu tố cải thiện thể chế, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với cách mạng 4.0, Việt Nam còn cần hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, nhất là về sở hữu, cạnh tranh. 

Huy Thắng
661 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1008
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1008
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87222940