|
Nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng các mạng xã hội để tìm khách hàng và bán hàng là cách tồn tại, phát triển của nhiều hợp tác xã trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. (Ảnh PL) |
Trụ vững nhờ chất lượng sản phẩm và nhanh nhạy chuyển hướng sản xuất
Hợp tác xã (HTX) Thương mại và dịch vụ Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông thành lập năm 2018, sở hữu hơn 100 ha hồ tiêu. Từ khi thành lập, HTX đã chọn hướng sản xuất hữu cơ; đồng thời đầu tư trên 800 triệu đồng để làm thủ tục được cấp 3 giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản.
Nhờ có sản phẩm chất lượng cao nên năm 2020 - năm dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, cùng với việc trên thị trường, giá hồ tiêu giảm mạnh nhưng Hoàng Nguyên vẫn bán được sản phẩm với giá mơ ước 37 triệu đồng/tấn.
Năm 2021, HTX đã có đơn đặt hàng tới 400 tấn xuất khẩu, giá từ 65 - 80 triệu đồng/tấn và khoảng 250 tấn nội tiêu với giá cao. Bà Trần Thị Thu, Giám đốc tự tin đánh giá, dịch COVID-19 không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của HTX.
Trước đây, HTX Hương Ngàn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã phát triển nhiều dòng sản phẩm như tinh dầu sả, tinh dầu quýt… từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương.
Khi dịch COVID-19 xảy đến, trong khi các cơ sở kinh doanh khác đau đầu giải quyết bài toán ế ẩm sản phẩm thì HTX đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất nước rửa tay từ nguồn tinh dầu có sẵn và nước cất tinh dầu sả để lau nhà, xông mặt…
Chị Vi Thùy Dương - Giám đốc HTX Hương Ngàn cho biết, những tháng đầu kinh doanh, HTX trợ giá 30% cho tất cả các đơn hàng và 50% cho các khách hàng là cơ quan, trường học.
Nhanh nhạy chuyển hướng và có chính sách khuyến mãi tốt nên sau tháng đầu tiên sản xuất, HTX Hương Ngàn đã thu về 150 triệu đồng - mức doanh thu kỷ lục chưa bao giờ có, cao gấp 5 lần bình thường kể từ khi đi vào hoạt động năm 2017. Quan trọng là HTX đã tìm được hướng đi riêng, biến khó khăn thành lợi thế để phát triển những dòng sản phẩm phù hợp với sự biến động của thị trường và nhu cầu của khách hàng trong thời kỳ dịch bệnh.
Tận dụng công nghệ số để tồn tại
Anh Xồng Bá Hải - Giám đốc HTX sản xuất nông sản Hùng Vy, xã Cư Lễ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho rằng, nếu không tìm cách thích ứng với COVID-19 thì rất khó tồn tại. Cách thích ứng của HTX là sử dụng các kênh thông tin, các ứng dụng số như Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm. Thỉnh thoảng, HTX còn tự quay video giới thiệu các công đoạn sản xuất ra sản phẩm đăng lên Youtube. Tận dụng công nghệ số đã giúp HTX tồn tại và đưa thành công ra thị trường tới 26 mặt hàng nông sản.
Chị H’Bình - tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông tâm sự, lo sợ lây nhiễm COVID-19 nên mọi người hạn chế ra ngoài, nói gì đến đặt đơn hàng thổ cẩm. Trong khi bình thường, tổ hợp tác chỉ làm việc khi có đơn đặt hàng. Vì thế, đảm bảo công ăn việc làm cho thành viên trong thời kỳ dịch bệnh là rất khó.
Tham gia Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi cho phụ nữ dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi COVID-19”, chị H’Bình được các chuyên gia gợi ý nhiều giải pháp. Thế là thay vì thụ động ngồi chờ đặt hàng, chị chủ động tận dụng các ứng dụng 4.0 như Zalo, Facebook để tìm đến khách hàng và bán hàng.
Nhờ tiếp cận khách hàng và bán hàng qua các mạng xã hội mà tổ hợp tác đã phục hồi sản xuất, duy trì việc làm cho 10 chị em người dân tộc Mạ, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự cách làm của anh Hải, chị H’Bình là tận dụng các kênh maketting 0 đồng, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông cũng đã bán được 2 tấn cà phê bột.
Dù lợi thế của HTX Thương mại và dịch vụ Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông là có sản phẩm hồ tiêu hữu cơ chất lượng cao thì cũng phải chọn cách thường xuyên livestream trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và tiếp cận khách hàng.
Cơ hội phân tích lại thế mạnh, thay đổi chiến lược kinh doanh và phương thức maketing
Theo thống kê của Liên minh HTX, đến tháng 6/2020, cả nước có 25.282 HTX, 91 liên hiệp HTX, 120.811 tổ hợp tác; thu hút hơn 10 triệu thành viên và hơn 3 triệu lao động, tác động trực tiếp đến thu nhập và đời sống của hơn 30 triệu người, chủ yếu ở địa bàn nông thôn.
Tại Diễn đàn “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho HTX trong bối cảnh mới” do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức ngày 24/3/2021, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhận định: Biến đổi khí hậu và dịch COVID-19 đã tác động tới hoạt động của phần lớn doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội, trong đó có khu vực kinh tế tập thể, HTX, dẫn đến tình trạng gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh thu và lợi nhuận. Mức độ đánh giá bình quân 3,84/5 (5 là mức tác động nghiêm trọng nhất).
"Trải nghiệm tác động tiêu cực của dịch bệnh song lãnh đạo nhiều HTX ở Bắc Kạn và Đắk Nông vẫn giữ được tinh thần lạc quan rằng khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Quan trọng là càng khó khăn, càng phải dám đương đầu, tức là dám tin vào việc HTX có thể vượt qua sóng gió; giữ được sự bình tĩnh để trấn an bản thân, trấn an xã viên và tìm cách phục hồi sản xuất" - ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông bày tỏ.
Theo ông Thạch, để thích nghi với thời kỳ dịch bệnh COVID-19, các HTX phải tự tìm ra giải pháp nâng cao năng lực chống chịu và giảm thiệt hại. Đây là cơ hội để các HTX lập chiến lược kinh doanh, phân tích lại thế mạnh và thay đổi phương thức maketing bằng cách tận dụng các mạng xã hội quảng bá sản phẩm ra thị trường.
Những kinh nghiệm giúp nhiều HTX, tổ hợp tác ở Bắc Kạn và Đắk Nông vượt qua thời kỳ dịch bệnh khó khăn để tồn tại và phát triển rất đáng được các HTX, tổ hợp tác trong nước tham khảo./.