Đây là ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền và chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ về những giải pháp cho việc thu phí tự động không dừng hiện nay khi trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Người dân chưa mua nhiều vì chưa phủ rộng khắp
|
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Trả lời Cổng TTĐT Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chủ trương của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng và công khai minh bạch việc thu phí đường bộ là rất đúng đắn và kịp thời.
Tuy nhiên, việc cụ thể hoá chủ trương đó của Chính phủ và các cơ quan liên quan có những điểm chưa phù hợp, chậm trễ tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp công nghệ này.
Việc lựa chọn nhà cung cấp công nghệ thu phí tự động không dừng phải đáp ứng được yêu cầu và chi phí cạnh tranh nhất, có đủ độ tin cậy để các nhà đầu tư gửi gắm vào công nghệ đó, cũng như để các nhà cung cấp công nghệ không được lựa chọn cũng “tâm phục, khẩu phục” với công nghệ đó. Có như vậy, những nhà cung cấp công nghệ khác mới không tìm cách cản trở quá trình thực hiện công nghệ thu phí tự động không dừng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết, kinh nghiệm của Hàn Quốc là họ tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp công nghệ thu phí tự động không dừng. Sau đó, toàn bộ việc thu phí tự động không dừng do một tổng công ty đứng ra thực hiện được Chính phủ Hàn Quốc đấu thầu lựa chọn. Số phí thu được của công trình nào thì trên hệ thống đều thông tin kịp thời số tiền của từng công trình, từng trạm BOT đó. Họ minh bạch toàn bộ quá trình thu phí ở tất cả các công trình, trạm thu phí theo yêu cầu của Chính phủ qua hồ sơ dự thầu.
Thông qua việc này cũng tiết kiệm chi phí tổ chức thu phí vì chỉ cần một bộ máy trong cả nước thực hiện việc thu phí, giảm chi phí nuôi bộ máy rất nhiều.
Theo ông Quyền, chúng ta cần có cơ chế khuyến khích người tham gia giao thông thực hiện mua thẻ thu phí tự động không dừng. Bởi khi thực hiện mua thẻ thì họ phải bỏ một số tiền nhất định “đọng” trong tài khoản ngân hàng. Do đó, cần có chính sách giảm giá cho người sử dụng công nghệ này khi qua các trạm BOT.
Việc cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ thành bước đi, lộ trình cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT. Mấy ngày vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã và đang tổ chức đấu thầu công nghệ thu phí tự động không dừng. Tuy chậm nhưng là tín hiệu đáng mừng.
Trả lời câu hỏi người dân và doanh nghiệp vận tải kỳ vọng gì vào việc minh bạch này, ông Quyền cho biết, giới vận tải ủng hộ chủ trương này nhưng cũng mong muốn có bước đi, chính sách phù hợp bởi việc quản lý xã hội không chỉ là mệnh lệnh hành chính.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, hiện nay, tỉ lệ doanh nghiệp vận tải mua thẻ thu phí tự động không dừng chưa nhiều vì hệ thống này chưa phủ kín toàn quốc, trong khi hoạt động vận tải trải rộng khắp cả nước chứ không chỉ ở tuyến đường cố định. Theo đó, chỉ có những doanh nghiệp vận tải hoạt động tuyến cố định và qua các trạm thu phí có công nghệ thu phí không dừng thì họ mới mua, nhiều trạm thu phí đường bộ chưa áp dụng thì họ chưa mua.
“Muốn thúc đẩy người dân và doanh nghiệp vận tải mua thẻ trả phí tự động không dừng nhiều hơn thì phải đẩy nhanh và phủ kín công nghệ này trên hệ thống các công trình BOT, có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng và minh bạch việc thu phí thì người dân mới có đủ lòng tin để gửi gắm tài chính của mình vào công nghệ này”, ông Quyền nhấn mạnh.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT: Không lấy bất cứ lý do gì để trì hoãn thu phí tự động không dừng
|
Chuyên gia Giao thông Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Infornet |
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ, trong quá trình thực hiện xây dựng các trạm BOT lộ ra những bất hợp lý, bất cập như vị trí đặt trạm BOT, minh bạch trong thu phí… Vấn đề này các Bộ như GTVT, KH&ĐT, Tài chính phải lưu ý bởi Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở.
Ngay từ năm 2017, Bộ GTVT cam kết là cuối năm 2018 sẽ cơ bản hoàn tất việc thu phí tự động không dừng theo như chỉ đạo của Thủ tướng. Nhưng đến giờ này mới chỉ hơn 20 trạm mà thôi, và trong các trạm này mới thu phí tự động không dừng một số làn xe, các làn khác vẫn thu phí một dừng hoặc thủ công. Việc thu phí như vậy gây thất thoát lớn tiền bạc và thiếu minh bạch. Qua kiểm tra của Thanh tra Chính phủ hoặc công tác kiểm toán cho thấy tỉ lệ thất thoát cao. Vụ cướp ở trạm BOT Dầu Giây hoặc tình trạng thay đổi phần mềm để giảm doanh thu tại một số trạm BOT cũng đã được phát hiện. Việc này người dân rất bức xúc vì đồng tiền của mình đã bị rút ruột dễ dàng và có hiện tượng lợi ích nhóm ở đây.
“Dư luận nhân dân và báo chí đã lên tiếng, đề nghị phải nhanh chóng thực hiện thu phí tự động không dừng để bảo đảm sự minh bạch, chính xác, tiền bạc đỡ thất thoát. Tuy nhiên, thời gian qua việc này tiến hành chậm, hình như có hiện tượng tiêu cực ở đây khi cố tình trì hoãn việc thu phí tự động không dừng”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thuỷ nhìn nhận.
Theo ông Thuỷ, dư luận bức xúc nhất là việc Bộ GTVT cần thực hiện sớm việc thu phí tự động không dừng với chế tài rõ ràng để thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tạo dư luận tốt hơn. Vừa qua, dư luận người dân thiếu lòng tin đối với hoạt động của BOT vì không trung thực, minh bạch, có hiện tượng chây ỳ trong việc thực hiện thu phí không dừng.
Lê Sơn (thực hiện)