Chuyện ghi ở vùng cô lập xã Húc 

(VHO)- Hơn 900 hộ dân ở xã Húc, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn còn bị cô lập, chia cắt do mưa lũ suốt hơn 2 tuần qua. Nhiều nhà cửa, vườn cây, vật nuôi đã bị lũ dữ tàn phá, nên họ phải nhờ vào tiếp tế của chính quyền địa phương và các đoàn thiện nguyện.

 Để nhận hàng cứu trợ, nhiều người ở xã Húc phải “lội” qua nhiều đoạn đường đầy bùn đất

 Tuy nhiên, để nhận được nguồn nhu yếu phẩm này, các gia đình phải cắt cử người khỏe mạnh băng rừng, vượt suối hơn 10 km.

Đến với vùng cô lập

Xã Húc có hơn 900 hộ dân (với gần 4.000 nhân khẩu), trong đó 95% là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Nhiều ngày qua, người dân ở đây đã chứng kiến đủ đau thương, mất mát khi lũ dữ tràn về. Đã có 8 người chết do sạt lở đất và lũ cuốn, trong đó có một gia đình gồm 6 người đã bị vùi trong đống đất đá, mãi cho đến gần 2 ngày sau mới được tìm thấy. Nhiều gia đình trắng tay, nhà cửa tan hoang, xơ xác. Suốt hơn 2 tuần, người dân nơi đây bị chia cắt, cô lập với bên ngoài.

Những ngày gần đây, có nhiều đoàn thiện nguyện tìm đến xã Húc nhưng cũng không thể tiếp cận với bà con gặp nạn. Hôm 26.10, đoàn xe chúng tôi vừa qua khỏi thị trấn Khe Sanh thì buộc phải dừng lại ở cầu tràn La La. Cây cầu nằm trên tỉnh lộ 586, tuyến đường độc đạo dẫn vào xã Húc, đã bị lũ cuốn phăng. Ở điểm đầu bên kia cầu tràn, hàng chục cán bộ UBND xã và Công an, dân quân tự vệ của xã Húc hướng dẫn từng nhóm người bám theo lối đi vắt qua sườn núi, rồi dẫn qua chiếc cầu khỉ, lội bùn đất mới đi được vào con đường tạm đến địa điểm tập kết hàng cứu trợ. Chúng tôi đã men ngược theo con đường của đồng bào để tiếp cận các bản của xã Húc. Mưa, bùn lầy lội, đường trơn trượt nên nhiều người ngã dúi dụi. Đoạn qua cầu khỉ vắt qua suối, nước chảy xiết. Dù nguy hiểm rình rập nhưng để bà con dân bản không bị đói, các thanh niên đã đánh cược “tử thần” đi gùi hàng về…

Người trong xã chỉ ra ngoài nhận hàng, không có việc gì quan trọng chẳng ai dám ra ngoài, bởi nguy cơ sạt lở vẫn còn tiềm ẩn. Các cán bộ xã và công an ở đây hằng ngày cũng ra ngoài để tiếp nhận lương thực thực phẩm, thuốc men giúp dân

 qua con đường “tử thần” này. Chúng tôi cũng phải mất mấy tiếng đồng hồ mới “lội” bùn, cuốc bộ đến được với xã Húc. Cảnh tượng kinh hoàng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi chính là sạt lở đất. Ngay sau trụ sở UBND xã Húc, công trình dãy nhà bán trú và bếp ăn của Trường THCS dân tộc bán trú đã bị sạt lở núi, đổ sập và vùi lấp. Dọc tuyến đường tỉnh lộ vào xã Húc, nhiều điểm sạt lở khiến khối lượng đất đá khổng lồ tràn xuống, ách tắc. Cùng với hàng chục điểm sạt lở trên tỉnh lộ 586, nếu thời tiết thuận lợi thì phải mất cả tháng mới khắc phục, thông đường vào xã Húc.

 

 Người dân ở xã Húc đi qua cầu khỉ vượt suối để ra điểm nhận hàng cứu trợ

Đau thương ở Tà Rùng

Chúng tôi cuốc bộ trong đất bùn đến bản Tà Rùng, xã Húc. Trong một dãy nhà dân nằm chênh vênh bên núi, có ngôi nhà đã bị sập, đất đá lấp đầy. Đó là nhà của vợ chồng chị Hồ Thị La Ham. Vụ sạt lở đất đêm 17.10 đã cướp đi sinh mạng của con gái mới 2 tuổi của chị Ham. Hai vợ chồng đã được sơ tán đến nhà cha mẹ ruột để tạm trú, nhưng con đã mất, nhà cửa tài sản đã bị chôn vùi theo đất đá. Nỗi đau đớn chất chồng trong ánh mắt của người mẹ trẻ.

Men theo vài quả đồi nữa, bản Tà Rùng vẫn chìm trong đau thương. Đó là điểm sạt lở núi kinh hoàng vào chiều ngày 17.10, khiến 6 người trong cùng một gia đình bị chôn vùi, trong đó người vợ đang mang thai. Bị cô lập, mất điện nên đến chiều tối cùng ngày, chính quyền xã mới nhận được tin báo về vụ việc. Ngay trong đêm, 13 cán bộ và công an xã Húc đã lội suối, băng đường rừng giữa mưa lũ, sạt lở để đến hiện trường. Không có phương tiện cơ giới, cán bộ và nhân dân đã phải dùng đồ thủ công để đào và tìm kiếm 6 nạn nhân. Trung tá Hoàng Minh Tới, Trưởng Công an xã Húc cho biết xã bị cô lập, không mua và vận chuyển quan tài đến nơi được nên chúng tôi đành đóng tạm những tấm ván để chôn cất các nạn nhân. Ngay sau các vụ sạt lở thảm khốc đó, cán bộ xã Húc cùng với sự hỗ trợ của người dân đến các hộ gia đình ở vùng ven đồi, thấp trũng, nguy hiểm sạt lở để di dời nhân dân đến vùng an toàn hơn.

Không chỉ ở Tà Rùng, bản Cu Dông với hơn 100 hộ dân cũng bị lũ dữ tàn phá tan hoang. Nhiều công trình cầu cống, kè ven sông suối, nhà dân đã bị lũ cuốn trôi; trường Mẫu giáo được xây dựng kiên cố cũng bị nước lũ tràn vào, sập ở nhiều điểm. Hàng chục nhà dân sống ở gần sông suối, nước lũ về ngoạm sâu, gây sạt lở, nguy hiểm rình rập nên phải di dời đến ở nhờ các hộ dân trong bản. Một người đàn ông 62 tuổi ở bản Cu Dông đã bị nước lũ cuốn trôi, sau 3 ngày mới tìm được thi thể.

Tính từ điểm đầu cầu tràn La La vào điểm xa nhất của xã Húc phải gần 16 km, gần như phải cuốc bộ. Khi chúng tôi rời xã Húc, trở ra lại cầu tràn La La vào buổi chiều, vẫn còn chứng kiến cảnh hàng chục người dân nối đuôi nhau vượt sườn núi, băng qua nhiều đám bùn đất sạt lở, đu qua cầu khỉ để nhận hàng cứu trợ. Với ảnh hưởng của thời tiết phức tạp, nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp diễn, ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc khẳng định: Hiện nay, lương thực thực phẩm của bà con cũng đã tiếp nhận đủ dùng trong khoảng một tuần, không còn lo đói. Với tình hình mưa lũ phức tạp, xã sẽ không cho bà con đi nhận quà cứu trợ nữa. Đường đi quá nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. 

 Hiện nay, lương thực thực phẩm của bà con cũng đã tiếp nhận đủ dùng trong khoảng một tuần, không còn lo đói. Với tình hình mưa lũ phức tạp, xã sẽ không cho bà con đi nhận quà cứu trợ nữa. Đường đi quá nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.

(Ông HỒ VĂN KA RAI, Chủ tịch UBND xã Húc)

 

  Thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9

Để chủ động trong chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 (cơn bão rất mạnh dự kiến đố bộ trực tiếp vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ) hôm qua 27.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương tại Đà Nẵng. Thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương gồm: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban.

Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, TN&MT, GTVT, Công thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ. Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống. Ban Chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. P.V

 

HOÀNG LINH

320 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1043
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1043
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87051081