Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng  

Đó là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá 2020 do Bộ Công Thương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đồng tổ chức ngày 28/7, tại Hà Nội.

Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, chuyển đổi số giúp chúng ta vừa có được một nền thương mại minh bạch, hiệu quả, vừa giải quyết được vấn đề không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức. Đổi mới tổ chức trên nền tảng văn hoá sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số. Nhiều doanh nghiệp đã thành lập văn phòng chuyển đổi số, đặt ngang hàng với phòng kế hoạch kinh doanh hay tổ chức - tài chính và chỉ định giám đốc kỹ thuật số như một nhân sự chủ chốt “cánh tay phải” của Ban lãnh đạo - một nhân vật có tầm ảnh hưởng tới định hướng và định hình của doanh nghiệp trong tương lai.

“Trong lĩnh vực hẹp xuất nhập khẩu mà chúng ta đề cập hôm nay, đối với doanh nghiệp thì tích hợp công nghệ số trong toàn bộ quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu là bắt buộc. Đối với các Bộ, Ngành, việc phối hợp vận hành nền tảng số giữa các cơ quan trong cả mạng lưới dịch vụ số bảo đảm cho xuất nhập khẩu như CO, hải quan, thuế, logistic, ngân hàng là vấn đề quan trọng sống còn” – ông Lộc nhận định.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng Thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

 Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá 2020

Ngoài ra, Bộ cũng đang khẩn trương hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung cũng như hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các xu hướng/mô hình chuyển đổi số phù hợp, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của EVFTA mà của cả thị trường EU.

“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn” – Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chia sẻ.

Tại Diễn đàn, các ý kiến cũng tập trung thảo luận sâu các giải pháp giúp các doanh nghiệp liên quan tới xuất nhập khẩu chuyển đổi số; Các nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới quan tâm và một số chính sách và pháp luật nổi bật cũng như tính khả thi liên quan tới chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bao gồm dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử./.

 

 
Tin, ảnh: Kim Dung