|
Chuyển đổi số tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)
|
Tại Việt Nam, chuyển đổi số xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính - ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển… đòi hỏi doanh nghiệp lựa chọn chuyển đổi hay phá sản. Mục tiêu của chuyển đổi số là biến những doanh nghiệp truyền thống thành những doanh nghiệp thông minh, sử dụng công nghệ thấu hiểu insight khách hàng và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Mỗi doanh nghiệp khi chuyển đổi số thành công sẽ tăng hiệu suất một cách đột phá, tăng trưởng từ 30 - 50%, cũng như tăng doanh thu và độ trung thành của khách hàng.
Tuy nhiên, khó khăn doanh nghiệp gặp phải là rất lớn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp truyền thống. Tuỳ theo từng lĩnh vực, mỗi doanh nghiệp đều trải qua ngưỡng chuyển đổi khác nhau. Nhận định về vấn đề này, tại Diễn đàn Sáng tạo và Khởi nghiệp (Vietnam Actnovation Summit) với chủ đề chuyên sâu về Chuyển đổi số (Digital Transformation) do Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (Trường Đại học Ngoại thương) vừa tổ chức, Giám đốc R&D VN Post Phan Trọng Lê chia sẻ: Chuyển đổi số của các doanh nghiệp Nhà nước như VN Post cần nhiều thời gian, bởi doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào lao động phổ thông và nền tảng vật lý. Bước sang giai đoạn chuyển đổi số, ban lãnh đạo công ty luôn sát sao khuyến khích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và từng bước áp dụng vào hoạt động kinh doanh.
Theo Phó Tổng Giám đốc Owen Fashion Đoàn Đức Thuận, chuyển đổi số song hành với hoạt động marketing của doanh nghiệp và marketing bị thay đổi cục diện rất nhiều do chuyển đổi số tác động. Trước đây, hoạt động diễn ra giữa khách hàng và doanh nghiệp đơn thuần là mua và bán, nhưng dưới tác động của chuyển đổi số, hoạt động của doanh nghiệp là thương mại hoá, mua giá trị niềm tin của thương hiệu. “Hiện các chiến dịch marketing đặt khách hàng vào trung tâm, tăng sự tương tác với khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn tới hiện diện trên nền tảng số như fanpage, website…” – vị này chỉ ra.
Công nghệ số và kết nối trực tuyến đang và sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế. Dự báo, giá trị của thị trường chuyển đổi số của toàn cầu năm 2023 là 665 tỷ USD, trong đó châu Á – Thái Bình Dương chiếm khoảng 25%; năm 2025 nền kinh tế số Đông Nam Á là 240 tỷ USD. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính - ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển…
Đánh giá về vấn đề này, CEO Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Tập đoàn Novanon cho rằng, doanh nghiệp Việt tiếp cận khá nhanh nhưng vẫn đang dừng lại ở việc bắt đầu áp dụng từng phần, nhất là ở những phòng ban chịu trách nhiệm ảnh hưởng đến doanh thu… Còn châu Âu, Mỹ sẵn sàng cho bài toán dài hơi thay đổi toàn diện doanh nghiệp. Đó là đặc thù và không có gì sai.
Với nền tảng 13 năm phát triển, Novanon có 10 năm trở thành đối tác của Alibaba, Google, Facebook để cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho các doanh nghiệp. Nhưng 3 năm trở lại đây tập trung theo đúng chủ trương “made in Vietnam” đã xây dựng, thiết kế nền tảng công nghệ, sở hữu sản phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp với 2 sản phẩm đạt giải thưởng Sao Khuê. Trong đó, 25.000 doanh nghiệp sử dụng nền tảng quản lý quảng cáo hiệu quả hơn; 23.000 doanh nghiệp sử dụng nền tảng dựa trên công nghệ chuyển đổi số giúp phòng maketing quản trị được tốt. “Mỗi nền tảng xây dựng giúp cho từng doanh nghiệp chuyển đổi số nhất định, sau đó lan tỏa đến từng phòng, ban để tăng hiệu quả kinh doanh. Dù có khác biệt, nhưng điểm chung là mỗi doanh nghiệp có thể tự tạo tài khoản trên phần mềm trong vòng 30 giây để sử dụng, không cần server, hay hạ tầng” - CEO Nguyễn Minh Quý nói.
Về tốc độ chuyển đổi số, ông Quý khẳng định, vai trò của dữ liệu là rất quan trọng. Tất cả các doanh nghiệp sở hữu dữ liệu nhiều nhất, chi tiết sẽ làm chủ tương lai, quyết định nền kinh tế trên toàn thế giới. “Ngay cả Alibaba sở hữu hàng trăm tỷ USD nhưng không kinh doanh về thương mại điện tử (không thu tiền khách hàng), mà hưởng lợi nhuận từ dịch vụ dữ liệu trên nền tảng số” – vị này dẫn chứng.
Đồng thời ông Nguyễn Minh Quý cho rằng, chính doanh nghiệp Việt nhỏ, xuất phát điểm thấp có lợi thế và cơ hội dễ chuyển đổi số hơn. Doanh nghiệp to chậm chạp hơn trong xu thế chuyển đổi vì sợ mất đi những cái mình đang có… Tuy nhiên, cơ hội đến mà cứ bàng quang, còn lâu mới đến, doanh nghiệp có thể biến mất trong 5 năm tới khi khách hàng không chọn mình. Câu chuyện ở đây là doanh nghiệp xác định lựa chọn chuyển đổi số, hay phá sản, biến mất.../.
An Nguyên