Vấn đề là như vậy, nhưng khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, hiểu một cách ngắn gọn thì chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động với các giá trị mới. cho nên, chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về “văn hóa” của mỗi tổ chức, mỗi lĩnh vực hoạt động.
Ở nước ta, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình số bằng cách áp dụng công nghệ mới trên cơ sở các trụ cột căn bản, đó là dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, “văn hóa” của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Trong những năm qua, đặc biệt là gần 1 năm thực hiện Kế hoạch số 190-KH/TU ngày 12/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có kết quả quan trọng: Theo Báo cáo Viet Nam ICT index 2020, chỉ số hạ tầng kỹ thuật tỉnh Quảng Trị hiện xếp vị trí 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 15 bậc so với năm 2019). Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện; hơn 80% cán bộ công chức cấp xã được trang bị máy tính phục vụ công việc. Tỷ lệ máy tính các cơ quan nhà nước có kết nối mạng Internet ước đạt trên 95% (trừ số máy tính của cán bộ kế toán và máy tính của một số cán bộ chuyên soạn thảo văn bản quan trọng, có tính chất mật). 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện và trên 70% UBND cấp xã có mạng nội bộ LAN kết nối Internet qua các đường truyền tốc độ cao. Tỷ lệ cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đạt 100%. Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu tỉnh (LGSP) được triển khai thực hiện và đã tích hợp nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia và trục liên thông văn bản quốc gia; Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh đã được triển khai tích hợp nhiều dịch vụ như giám sát hành chính công, giám sát an toàn giao thông và an ninh trật tự công cộng, giám sát y tế, giáo dục, thông tin kinh tế xã hội tỉnh...
Cùng với hệ thống thông tin kinh tế -xã hội, hệ thống gửi nhận văn bản của tỉnh và hệ thống thông tin cán bộ công chức của tỉnh...một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, đất đai... cũng đã được triển khai.100% sở, ban ngành và địa phương đã được cấp chữ ký số chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành qua mạng; hệ thống văn phòng điện tử, hệ thống một cửa điện tử được triển khai đồng bộ đến tận 100% các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh. Cổng dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai và hiện cung cấp 60% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng được triển khai đồng bộ, Hệ thống giám sát an ninh mạng (SOC) đã được triển khai thử nghiệm tại Sở Thông tin và Truyền thông và đã kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng mạng quốc gia. Hiện toàn tỉnh có 174 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, trong đó: 55 bưu cục cấp 2 và 3, 01 bưu cục Hệ 1; 109 điểm bưu điện văn hóa xã; 9 đại lý chuyển phát; 8 thùng thư công cộng độc lập. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 03 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet là Viễn thông Quảng Trị, Viettel Quảng Trị và Chi nhánh FPT Quảng Trị. Tổng số dung lượng cổng lắp đặt trên địa bàn toàn tỉnh đạt 153.555 cổng, dung lượng cổng sử dụng đạt 87.300 cổng, hiệu suất sử dụng đạt 56,8%. Mạng Internet băng rộng cố định đã triển khai cung cấp dịch vụ tới trung tâm 125/125 xã, phường, thị trấn; riêng huyện đảo Cồn Cỏ lắp đặt 01 DSLAM, dung lượng lắp đặt là 64 cổng; 01 L2 SWITCH dung lượng sử dụng là 24 cổng; dung lượng truyền dẫn là 20 luồng E1 (40 Mbps) và 64 luồng E1 (128Mbps) và sử dụng 01 tuyến truyền dẫn Viba IP Đông Hà-Cồn Cỏ (500Mbps), 02 tuyến truyền dẫn Viba IP Vĩnh Linh - Cồn Cỏ (200Mbps); Tổng số thuê bao Internet toàn tỉnh đạt 84.843 thuê bao, đạt mật độ 13,3 thuê bao/100 dân [1].
Có thể nói công nghệ số đang được ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ. Nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế: Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư dàn trải và thiếu đồng bộ. Các doanh nghiệp của tỉnh chưa chủ động trong việc tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại; quy mô kinh tế số còn nhỏ; việc chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn bất cập, số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều…
Để khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ, trước hết là phải làm tốt công tác truyền thông chuyển đổi nhận thức, thông qua những cách làm cụ thể như: tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số; xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các nội dung về chuyển đổi số trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng. Chia sẻ, phổ biến những tập thể, cá nhân điển về chuyển đổi số.Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp cùng tham gia góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại. Xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân theo hình thức trực tuyến, thông qua báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng; đảm bảo dể hiểu, để tiếp cận.
Thứ hai. kiến tạo thể chế, như: Xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh theo hướng toàn diện, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương gắn với khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của đất và người Quảng Trị; Huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền điện tử; ưu tiên các hệ thống thiết bị thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu, trung tâm tích hợp dữ liệu. Và cuối cùng là phải phát triển hạ tầng số. Trí Ánh
[1] Nguồn Sở Thông tin và Truyền thông