Chiều 27/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
|
Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: B.T) |
Tại Hội nghị, giới thiệu về hệ sinh thái nông nghiệp số của VNPT cho các đại biểu tham khảo, ông Ngô Diên Hy – Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn cho biết, lộ trình phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số của Tập đoàn gồm có các bước đi rất cụ thể, tuần tự. Đầu tiên là khâu số hóa dữ liệu, gồm số hóa trong từng khâu trong chuỗi cung ứng nông sản như: đầu vào, nuôi trồng, thu gom, vận chuyển, phân phối, tiêu thụ sang dạng số (các chuyên ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp,…). Bước thứ hai, sẽ tiến hành số hóa các quy trình gồm: quy trình sản xuất, thu gom, phân phối, bán lẻ, triển khai các hệ thống thu thập thông tin tự động, nhật ký điện tử.
Bước thứ ba, sẽ tiến hành tự động hóa quy trình, loại bỏ dần sự can thiệp của con người ở các khâu đơn giản. Dữ liệu được tự động xử lý và chuyển tiếp tới các khâu phù hợp trong quy trình theo các điều kiện đã được cài đặt sẵn. Bước thứ tư, sẽ tiến hành liên thông dữ liệu, thông minh hóa gồm các quy trình với các nghiệp vụ khác nhau có thể liên thông, đồng bộ chéo với nhau. Đồng thời, có thể ra các quyết định, thông báo, xử lý tự động ở mức độ thông minh cao, cho phép tự chỉnh quy trình phù hợp với nhiều tham số đầu vào và cho phép tự động tối ưu hóa quy trình. Cuối cùng sẽ là bước đạt đến nông nghiệp số với sự tự động, thông minh, chính xác, minh bạch mang lại giá trị cao và bền vững.
Cũng tại Hội nghị, chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số nông nghiệp cấp tỉnh, ông Trần Hùng – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, các địa phương cần xây dựng được hạ tầng số về hệ thống kết nối, trang thiết bị, trung tâm điều hành; xây dựng các ứng dụng số phục vụ công tác điều hành tại Sở NN&PTNT (như trang web, phần mềm dự báo thiên tai dịch bệnh; phần mềm cấp và quản lý giấy phép, mã số vùng trồng,...). Ngoài ra, các địa phương còn cần hoàn thiện và số hóa các quy định, quy trình kỹ thuật ngành NN&PTNT; xây dựng các ứng dụng số quản lý vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp và hỗ trợ sản xuất, quản lý sản phẩm và kết nối thị trường nông sản cho người dân và doanh nghiệp,...
Để chuyển đổi số nông nghiệp hiệu quả, ông Trần Hùng kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm phê duyệt đề án chuyển đổi số của Bộ và xây dựng khung dữ liệu chung của ngành NN&PTNT. Xem xét đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc dữ liệu chuyên ngành môi trường, thổ nhưỡng, thủy văn, khí tượng nông nghiệp, vận hành quản lý các hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Đồng thời, xem xét đầu tư xây dựng sàn giao dịch nông nghiệp để kết nối quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chuyển đổi số trong nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu “Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”.
Hiện, Bộ NN&PTNT đã đưa chuyển đổi số vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch – trách nhiệm – bền vững”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chuyển đổi số trong ngành NN&PTNT cần một tầm nhìn xa. Đặc biệt, cần lựa chọn được cách tiếp cận đúng, có bước đi phù hợp và được hỗ trợ thỏa đáng từ chính sách của Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp số. Từ đó, giúp nông nghiệp có những chuyển biến nhanh, toàn diện trong thời gian tới.
“Thành công của chuyển đổi số là phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm, nên cách tiếp cận cùng nhau là bắt buộc đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp, phải dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, năm 2022, cần có sự tăng cường phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Thông tin và Truyền thông. Cụ thể, trong năm 2022, mong muốn Bộ NN&PTNT thực hiện được việc phổ cập kỹ năng số cho người nông dân, để bà con biết dùng nền tảng số để phục vụ cho sản xuất. Nếu hai Bộ cùng phối hợp tập huấn cho 11 nghìn nông dân, sẽ tạo điều kiện làm hạt nhân lan tỏa ra cộng đồng về vấn đề chuyển đổi số.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục tìm kiếm những khó khăn của các ngành để chuyển những bài toán đó đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số để giải quyết. Vì vậy, mong muốn sẽ tiếp tục tiếp nhận các “bài toán lớn” của ngành nông nghiệp trong chuyển đổi số. Đồng thời, mong muốn hai Bộ tiếp tục phối hợp thúc đẩy chia sẻ dữ liệu mở trong lĩnh vực nông nghiệp lên Cổng dữ liệu Quốc gia./.