Chuyển đổi số mở ra cơ hội bứt phá của tỉnh Quảng Trị 

QTO - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số (CĐS). Đến nay, hoạt động CĐS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định năm 2024 là năm “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng các cấp hành chính trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo hoàn thành và đưa vào sử dụng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số, chú trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, có các chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin.

Đến nay, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã kết nối với Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ số và đổi mới công nghệ. Cổng Dịch vụ công được hợp nhất với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, trở thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh. Quảng Trị còn thiết lập thêm kênh zalo để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến đến tận từng người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, tiến trình CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Về hạ tầng số, đã có 92,7% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh, tỉ lệ người sử dụng internet (cố định và di động) đạt 107,3%, tỉ lệ hộ gia đình có kết nối internet đạt 72,9%, 156 cơ quan hành chính nhà nước các cấp có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng (đạt 100%). Toàn tỉnh đã thành lập 115 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 715 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với tổng số 4.327 thành viên.

Năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai 19 lớp tập huấn về CĐS và an toàn thông tin cho cán bộ, công chức tỉnh. Để đảm bảo an toàn thông tin mạng, 100% máy trạm của cán bộ, công chức cấp tỉnh được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Toàn tỉnh có 15 hệ thống thông tin đã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Giám sát và điều hành an ninh không gian mạng Bkav thường xuyên rà soát, giám sát an toàn thông tin mạng với tần suất thực hiện 1 lần/tuần.

Toàn tỉnh đã cung cấp 1.197 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình và 562 DVCTT một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, cung cấp 777 DVCTT toàn trình và 207 DVCTT một phần trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Kho cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung tỉnh đã được triển khai tại địa chỉ https://datamine. quangtri.gov.vn.

Một số nền tảng số được triển khai, duy trì trên địa bàn tỉnh bao gồm: tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, giám sát điều hành thông minh, trợ lý ảo với tổng đài AI 1900868674, giám sát an toàn thông tin mạng, giám sát báo chí - truyền thông và mạng xã hội, định danh điện tử...

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 829 doanh nghiệp công nghệ số, 100% doanh nghiệp có triển khai nền tảng hóa đơn điện tử. 100% cơ sở khám, chữa bệnh và 100% trường học, cơ sở giáo dục đã đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán học phí, phí, lệ phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện có 433.539 hồ sơ định danh điện tử, trong đó có 302.532 tài khoản đã được kích hoạt. Có 793.983 tài khoản thanh toán cá nhân đang hoạt động, tỉ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán ước đạt 81%, có 137.428 hộ gia đình có địa chỉ số. Ngoài cổng thông tin điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến, đến nay tỉnh đã thiết lập Cổng thông tin phản ánh hiện trường nhằm giúp người dân được tham gia cùng cơ quan nhà nước giải quyết các vấn đề của địa phương với chính quyền.

 

Theo ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu xây dựng chuyên trang CĐS tỉnh Quảng Trị, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã mở chuyên mục CĐS tỉnh Quảng Trị. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS được triển khai thường xuyên, sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của các cấp, các ngành và mạng xã hội. Nhờ vậy, các chủ trương, chính sách về thúc đẩy CĐS đến gần hơn với người dân, các câu chuyện, các mô hình CĐS thành công, gương điển hình về CĐS được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về CĐS tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 10% và đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm trong tỉnh, từng bước nâng thứ hạng của Quảng Trị trên bảng xếp hạng đánh giá chỉ số CĐS hằng năm.

Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của CĐS, thời gian tới cần đa dạng hóa và thực hiện thường xuyên hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng về CĐS, chính quyền số, kinh tế số đến với mọi người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, nâng cao tầm nhìn, tư duy đột phá của lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đối với quá trình CĐS trong mọi hoạt động của đơn vị, địa phương, bao gồm cả quản lý, xây dựng thể chế, sản xuất - kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương với quá trình thực hiện CĐS và kết quả đạt được tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình. Tổ chức giám sát, thống kê kết quả thực hiện thường xuyên, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, đúc rút các bài học kinh nghiệm cho giai đoạn mới.

Bảo Bình

75 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 594
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 594
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88490962