Chuyển đổi số: Hợp tác cùng phát triển là rất quan trọng 

(ĐCSVN) - Tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 diễn ra vừa qua, một lần nữa các chuyên gia khẳng định cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là cơ hội để Việt Nam tìm được lối đi tắt và tạo ra những bước nhảy thần tốc để rút ngắn và thậm chí vượt qua những quốc gia phát triển.

 

Để nắm bắt được những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại, Việt Nam phải nhanh chóng  thực hiện chuyển đổi số. Với đặc thù về lĩnh vực hoạt động, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã sớm bắt tay vào việc thực hiện quá trình chuyển đổi số và thu được những kết quả quan trọng. Trong quá trình thực hiện, VNPT nhận thấy việc hợp tác cùng phát triển là vô cùng quan trọng.

 

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Trần Mạnh Hùng đã chia sẻ những kinh nghiệm và bài học
trong quá trình Chuyển đổi số của VNPT tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 ngày 13/9.

Chuẩn bị hạ tầng thông minh cho việc Chuyển đổi số

Giống như tất cả các doanh nghiệp khác, VNPT cũng phải đối mặt với thách thức chuyển đổi số mà CMCN 4.0 đặt ra. Với đặc thù về lĩnh vực hoạt động, VNPT có những lợi thế nhất định trong quá trình chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để giải quyết những thách thức, đón đầu những thời cơ mà CMCN 4.0 đem lại.

Là một trong những doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin (CNTT) lớn, VNPT sớm nắm bắt được xu hướng phát triển của công nghệ và đã bắt tay vào việc chuyển đổi số từ năm 2014. Bắt đầu bằng việc hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới của mình theo hướng hạ tầng thông minh và phát triển các dịch vụ CNTT cho chính quyền, các ngành y tế, giáo dục… Hạ tầng mạng cáp đồng đã được chuyển đổi hoàn toàn sang cáp quang, hạ tầng cloud computing được tăng cường tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Nếu như năm 2014, lượng thuê bao internet cáp quang của VNPT chỉ chiếm 10% tổng số thuê bao internet băng rộng cố định thì tới nay, con số này là 95%. Tốc độ nhanh và độ ổn định cao của mạng cáp quang còn giúp VNPT tăng gấp đôi lượng thuê bao internet băng rộng cố định sau gần 4 năm. Cho tới nay, VNPT đã sở hữu một hạ tầng mạng lưới viễn thông - CNTT, hạ tầng trung tâm dữ liệu và đám mây mạnh, tin cậy phủ sóng cả nước. VNPT cũng đồng thời phát triển và cập nhật các công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… , đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của CMCN 4.0.

Xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng

VNPT là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam là thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Chính vì vậy, VNPT đã được tiếp cận với những nội dung của CMCN 4.0 từ rất sớm (ngay từ phiên bản đầu tiên vào tháng 1/2016) và tiếp tục được theo dõi quá trình hình thành và phát triển của CMCN 4.0 qua các hội nghị, diễn đàn của WEF sau đó.

Việc được tiếp cận sớm với CMCN 4.0 đã giúp VNPT sớm bắt tay vào xây dựng chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp. Chiến lược VNPT 4.0 vạch rõ con đường để VNPT chuyển đổi mạnh mẽ từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT truyền thống sang trở thành một nhà cung cấp dịch vụ số với mục tiêu tới năm 2025, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam. Với định hướng này, trong thời gian qua, VNPT đã phát triển nhiều giải pháp ICT cho lĩnh vực giáo dục, y tế, chính phủ điện tử, các giải pháp smart city…

 

Các giải pháp ICT trọng điểm hiện tại của VNPT

 

Chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là nhân lực công nghệ cao

Để hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược, VNPT xác định cần chuẩn bị nguồn nhân lực có những kỹ năng và kiến thức cần thiết. Trong nhiều năm qua, VNPT đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ có nền tảng tốt về viễn thông - CNTT truyền thống. Tuy nhiên khi chuyển sang kinh doanh các dịch vụ số, yêu cầu tiếp cận với tầm khu vực và thế giới thì vẫn còn khoảng cách rất lớn và thay đổi là điều vô cùng cần thiết. Do vậy, VNPT đã bắt tay vào xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực riêng với các kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu từ nay tới năm 2020, sẽ bổ sung khoảng 5.000 nhân lực mới để tiếp cận các dịch vụ số.

Để thực hiện mục tiêu này trong thời gian qua, VNPT đã thực hiện hàng loạt chương trình hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với các trường đại học trên cả nước, không chỉ riêng trong lĩnh vực viễn thông - CNTT mà trong nhiều lĩnh vực khác như y tế, nông nghiệp… để phục vụ việc mở rộng giải pháp cho các lĩnh vực này.

Hợp tác cùng phát triển là vô cùng quan trọng

Tuy có sự chuẩn bị từ sớm song VNPT cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải hợp tác. Vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy văn hóa sáng tạo trong toàn tổ chức của mình, VNPT đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác phát triển thông qua chương trình R&D, triển khai các chương trình vườn ươm và chuẩn bị cả cho hoạt động mua bán, sáp nhập.

Cho tới nay, VNPT đã hợp tác với nhiều trường đại học trên cả nước và cả các doanh nghiệp tư nhân để xây dựng các hệ thống Labs nghiên cứu về nhiều lĩnh vực khác nhau như: 5G, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, an ninh mạng… VNPT sẽ dành khoảng 300 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong giai đoạn 2018 - 2025. VNPT cũng đã tham gia các chương trình vườn ươm để thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển dịch vụ số tại Việt Nam cũng như tìm kiếm các đối tác tiềm năng. Ngoài hỗ trợ kinh phí, VNPT còn tạo cơ hội cho các startup tiếp cận các công nghệ hiện đại cùng sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành, hỗ trợ startup thương mại hóa sản phẩm… Ngoài ra, VNPT cũng đang hoàn thiện cơ chế, chuẩn bị nguồn lực cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) để có thể nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới nhất. VNPT dự kiến dành 01 tỷ USD cho hoạt động M&A trong giai đoạn 2018 - 2025.

CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt song cũng đặt ra nhiều thách thức. Là một trong những doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực viễn thông - CNTT,  VNPT đang nỗ lực thực hiện quá trình chuyển đổi số, không chỉ với mục tiêu phát triển của mình mà còn tạo nền tảng về hạ tầng, giải pháp để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác thuận lợi hơn trong quá trình chuyển đổi./.

 

Thanh Toàn

584 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1423
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1423
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87155826