Chuyển đổi số góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP 

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp đã và đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) phát huy hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, thị trường tiêu thụ rộng mở, góp phần tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị phát huy hiệu quả chuyển đổi số trong cộng đồng, nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành, các lĩnh vực. Trong đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập của nông dân. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng chuyển đổi số đang được các cấp hội nông dân trong tỉnh chú trọng thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, mở rộng kênh tiêu thụ bền vững cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Nhằm thực hiện tốt việc chuyển đổi số đối với các sản phẩm OCOP, Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông; đào tạo cho hội viên, nông dân; tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nông dân kết nối với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, đã có 60 gian hàng với 350 sản phẩm nông nghiệp của hơn 70 nhà cung cấp trong tỉnh do Hội Nông dân kết nối, chủ yếu là hàng nông sản, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. voso.vn, ladada, shopee… Việc thay đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang không gian mạng giúp tiêu thụ nông sản Quảng Trị hiệu quả hơn. Trợ lực đưa nông sản Quảng Trị lên các sàn thương mại điện tử, Sở Công thương tỉnh Quảng Trị thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa những sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Thay vì bán hàng trực tiếp tại các chợ, siêu thị thì người dân Quảng Trị xây dựng các gian hàng trên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường ra cả nước.

Bên cạnh đó, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Sở Công thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; Bưu điện tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt dộng xúc tiến thương mại hướng dẫn doanh nghiệp tạo tài khoản, đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử phổ biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hiệu quả.... Thông qua, những buổi tập huấn bán hàng qua mạng, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng được thị trường tiêu thụ, đầu ra ổn định, khách hàng đặt mua sản phẩm với số lượng ngày càng nhiều. Việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Quảng Trị ngày càng mạnh mẽ. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại làm động lực và chuyển đổi số là nền tảng, Chương trình OCOP hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP, đặc biệt thông qua kết nối với các kênh phân phối hiện đại, phù hợp với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường. Các chủ thể OCOP chủ động áp dụng chuyển đổi số trong các giai đoạn sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kết hợp mã QR; giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội. Từ kết quả đạt được cho thấy, chuyển đổi số đã giúp ngành nông nghiệp nói chung và các chủ thể sản xuất có khả năng quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, đạt mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của địa phương vươn ra thị trường thế giới.

Ngoài việc đa dạng hóa cách thức tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng OCOP chất lượng, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đẩy mạnh phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức trực tiếp tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm và kết nối trực tuyến cung - cầu, giao thương giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 115 sản phẩm OCOP. Trong đó có 42 sản phẩm OCOP 4 sao; 73 sản phẩm OCOP 3 sao; 1 sản phẩm được UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Năm 2023, Quảng Trị đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận và công nhận lại cho 58 sản phẩm OCOP.

Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị là đến cuối năm 2025 có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 đến 3 sản phẩm 5 sao, 15 đến 20 sản phẩm 4 sao, có 1 đến 2 sản phẩm OCOP là sản phẩm du lịch cộng đồng; đến năm 2030, có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó nâng tổng số sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh từ 5 đến 7 sản phẩm.

Để đạt mục tiêu trên, ngoài sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới,... của các hợp tác xã, doanh nghiệp OCOP, sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền các cấp đã giúp nhiều cơ sở sản xuất từng bước vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP và trụ vững trên thị trường. Mặt khác, tỉnh cũng đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, tập trung phát huy lợi thế các địa phương, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, tăng cường nguồn lực và xây dựng cơ chế hỗ trợ các chủ thể tham gia chu trình sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, chú trọng truy suất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo quy trình chất lượng để xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xây dựng hồ sơ bộ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP… Đồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phát triển các sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường chuyển đổi số trong thương mại, kết nối cung - cầu nông sản gắn với thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, tiếp thị thông qua các nền tảng mạng xã hội... Tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với văn hóa du lịch trong và ngoài nước.

Với quyết tâm, sự linh hoạt của các chủ thể trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp sẽ góp phần xây dựng và nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, mở đường đưa nông sản Quảng Trị đến thị trường trong và ngoài nước. Hải Đăng

66 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 648
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 648
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78072049