“Chuyển đổi số” là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Đây là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn xảy ra và đang xảy ra. Mỗi cá nhân, tổ chức có thể tham gia hoặc đứng ngoài quá trình đó. Nếu đứng ngoài thì giữa các tổ chức, doanh nghiệp, lĩnh vực đã thực hiện và chưa thực hiện chuyển đổi số sẽ có khoảng cách lớn; và khoảng cách này sẽ dần được nới rộng theo cấp số nhân. Nhìn về lâu dài, thì mọi cá nhân và tổ chức đều phải chuyển đổi số, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Có người nói rằng: Trong chuyển đổi số thì không còn “cá lớn nuốt cá bé” mà “Cá nhanh nuốt cá chậm”. Ai làm chuyển đổi thành công, người ấy sẽ tồn tại. Không chuyển đổi, không kịp chuyển đổi số sẽ bị thay thế, đào thải. Do đó thông điệp “chuyển đổi số hay là chết” không còn xa lạ trong đời sống kỷ nguyên số. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ: Nếu chúng ta cứ đi sau về cái mới thì mãi mãi là người đi sau, không bao giờ thay đổi thứ hạng quốc gia. Chúng ta không tiến thì người khác tiến là chúng ta đã tụt lại. Chỉ có đi đầu về cái mới thì mới có cơ hội bứt phá vươn lên thành nước phát triển. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn, do người đi trước thắng cuộc là người lấy được tất cả. Chuyển đổi số thì Việt Nam với các nước đều mới như nhau, bởi không có nhiều kinh nghiệm để học hỏi. Các nước đã phát triển thì thường lại không hăng hái với cái mới vì họ đang ổn định trong cái cũ. Kinh nghiệm cho thấy khi một cuộc cách mạng công nghiệp mới mở ra thì rất nhiều việc khó lại dễ làm. Càng về sau việc dễ lại khó làm. Việc khó thì phải tìm cách tiếp cận mới, phải dùng công nghệ mới và vì vậy mà dễ làm. Việc dễ thì vẫn theo cách cũ và vì vậy mà lại khó làm.
Chuyển đổi số còn là giải pháp quan trọng để đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, là công cụ tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong nội bộ, với các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Chuyển đổi số là một quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả; là tạo ra cái mới, là cái chưa có tiền lệ và do vậy, từng tổ chức, từng cá nhân cần xác định lộ trình thích hợp. Cho nên có thể nói: Kỷ nguyên chuyển đổi số là kỷ nguyên của những điều không thể trở thành có thể và ngược lại. Và cách tốt nhất dự đoán tương lai để chủ động tạo ra nó.
Để chuyển đổi số trở thành việc làm thường xuyên, hiệu quả, thiết nghĩ:
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị . Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; người đứng đầu các cấp cần tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, của cán bộ, đảng viên và mọi người dân về tính cấp thiết, lợi ích của chuyển đổi số để chủ động tham gia, hưởng ứng; Lựa chọn mô hình thử nghiệm chuyển đổi số theo quy mô phù hợp. Tiên phong, gương mẫu đi đầu, sáng tạo trong triển khai các giải pháp chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị; trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia; trong đó đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích thực hiện chuyển đổi số.
- Tập trung xây dựng, ban hành, cụ thể hóa các quy chế, quy định của Trung ương, của tỉnh; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; Có cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin vào các cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực quan trọng; xây dựng, ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số chưa phải vấn đề quan trọng nhất mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân mới là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số. Nói cách khác, mỗi người dân trở thành công dân số thì chuyển đổi số mới thành công. Đây là cuộc cách mạng của toàn dân.
Đường xa vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Có thể hôm nay, những vấn đề về chuyển đổi số còn mới mẻ nhưng nếu cấp ủy, chính quyền; người đứng đầu các cấp có quyết tâm, có nhận thức đúng, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, quyết tâm hành động thì việc chuyển đổi số ắt sẽ thành công. Trí Ánh