Chuyển đổi sản xuất để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi nông hộ  

(ĐCSVN) - Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao gây khó khăn cho chăn nuôi nông hộ, theo ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, người dân có thể chuyển đổi sang chăn nuôi lợn bản địa có giá trị gia tăng cao, hoặc chuyển sang nuôi các gia súc ăn cỏ như: bò, trâu, dê,... Và đặc biệt phải chuyển mạnh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các cây thức ăn, nhất là ngô sinh khối để cung cấp cho các doanh nghiệp, trang trại.
 
 

Xung quanh những kết quả sản xuất của ngành chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm và định hướng các giải pháp 6 tháng cuối năm, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

 Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí
(Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của ngành chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm?

Ông Tống Xuân Chinh: Trong 6 tháng đầu năm, ngành chăn nuôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi chúng ta đang phải phòng chống dịch COVID-19 và hàng loạt dịch bệnh trong chăn nuôi như: bệnh tai xanh, viêm da nổi cục và đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến tại một số tỉnh và vẫn tiếp tục phải kiểm soát.

Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, do đứt gãy chuỗi cung cấp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thu hẹp diện tích sản xuất cũng như chuyển đổi rất mạnh việc sử dụng ngũ cốc để sản xuất ethanol cho vấn đề công nghiệp, chính vì thế đã hạn chế rất lớn đến các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá thành thức ăn chăn nuôi hiện nay đã tăng từ 14- 15% so với 6 tháng đầu năm 2020, tùy từng loại khác nhau.

Hiện nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang rất khó khăn. Nhiều loại ngô, khô dầu, đậu tương đều tăng trên 35%; đối với DDGS (bã rượu khô) tăng tới gần 40%, ảnh hưởng lớn đến giá thành chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như vậy, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng như sự đoàn kết của Cục Chăn nuôi, toàn ngành vẫn duy trì tăng trưởng ở một số vật nuôi nhất định, trừ con trâu. Trong đó, tổng đàn bò cả nước tăng 2,5%, đàn lợn tăng 11,6%; tổng đàn gia cầm tăng 5,4%, sản lượng sữa bò tươi tăng 11,2%,…

Điều đó cho thấy trong bối cảnh khó khăn như vậy, chúng ta vẫn giữ được phát triển chăn nuôi ổn định và cơ bản vẫn đáp ứng được các sản phẩm thịt, trứng, sữa cho nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.

PV: Hiện giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao, trong khi đó, giá thịt lợn hơi đang có xu hướng giảm, theo ông, vấn đề này sẽ tác động như thế nào đến tình hình sản xuất của người chăn nuôi?

Ông Tống Xuân Chinh: Trước hết, nói về thịt lợn, tiêu dùng sản phẩm thịt lợn chiếm tới gần 70% và đóng góp từ 65-67% tổng sản lượng thịt chung của chúng ta.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đỉnh cao vào thời điểm cuối năm 2018, chúng ta có 31 triệu con lợn. Hiện nay, chúng ta đã khôi phục tới 86-87%, đạt 27 triệu con. Tuy nhiên, với sản lượng này, giá thịt lợn hơi đã giảm xuống ở mức 60- 61 nghìn đồng/1kg.

Như vậy, với giá thành sản xuất cho nông hộ, đang phải mua giống rất đắt, trước đây là 3,5 triệu/1 con giống, hiện nay cũng phải 2,3- 2,5 triệu/1 con giống. Cùng với giá thức ăn chăn nuôi tăng, kể cả cho lợn và cho gà. Điều này gây khó khăn đối với chăn nuôi nông hộ dẫn đến sản xuất không có lãi, thậm chí lỗ. Đối với chăn nuôi trang trại khép kín theo chuỗi giá trị từ con giống, sản xuất thức ăn, giết mổ, phân phối thị trường, lãi từ công đoạn này giúp họ vẫn có thể tồn tại vẫn tốt.

Do đó, có thể dự báo đối với chăn nuôi nông hộ đối với con lợn sẽ ngày càng thu hẹp lại. Người chăn nuôi cần chuyển đổi sang chăn nuôi đã được khuyến cáo như lợn bản địa có giá trị gia tăng cao, hoặc chuyển sang nuôi các gia súc ăn cỏ như: bò, trâu, dê,... Và đặc biệt phải chuyển mạnh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các cây thức ăn, đặc biệt là ngô sinh khối bán cho các doanh nghiệp, trang trại. Một năm 4 lần cắt thu hoạch như vậy cũng có thể thu về từ 6-7 triệu đồng/ha. Như vậy, sẽ tốt hơn nhiều so với việc chăn nuôi nông hộ về con lợn, vẫn tiếp tục gặp rủi ro.

Do đó, việc chuyển đổi là vô cùng quan trọng. Đánh giá cho thấy, giá lợn hơi giảm thời gian vừa qua là kết quả của quá trình hồi phục đạt lợn lên tới 27 triệu con và cũng là do tác động  của dịch COVID-19 lên thị trường, gây đứt đoạn chuỗi cung cấp, đặc biệt là thiếu việc làm dẫn đến tiêu dùng hạn chế.

Chính sự khôi phục của đàn lợn và hạn chế nhu cầu tiêu dùng dẫn tới giá thịt lợn hơi giảm xuống và có thể giảm xuống mức 55- 56 nghìn đồng/kg. Đây cũng có thể nhận định là việc hết sức bình thường do quy luật cung cầu.

PV: Giá thức ăn chăn nuôi được nhận định sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, vậy ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Ông Tống Xuân Chinh: Về giá thức ăn chăn nuôi, chúng tôi đã cập nhật và họp trực tuyến rất nhiều lần với các hiệp hội của cả nước ngoài và Việt Nam để trao đổi về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trên thế giới dự báo, giá nguyên liệu thức ăn chăn  nuôi, đặc biệt là ngũ cốc, ngô, khô dầu, đậu tương, cám mỳ, DDGS … sẽ tiếp tục tăng 5-6% trong một vài tháng tới. Chính vì thế, việc giá đối với thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh, ví dụ như thức ăn hỗn hợp cho lợn, gà sẽ tăng thêm 2 đợt nữa, mỗi đợt tăng 5.000 – 6.000 đồng, lúc đó mới có thể ổn định. Khi đó, giữa giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với giá thành sản xuất thức ăn hoàn chỉnh mới có thể tiếp cận được, bởi điều này luôn có độ trễ từ 1- 1,5 tháng.

Hiện, các doanh nghiệp vẫn đang sản xuất thức ăn chăn nuôi của nguyên liệu mua đắt từ trước đó, do đó, họ vẫn phải giữ mức giá này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình chăn nuôi trong 6 tháng cuối năm?

Ông Tống Xuân Chinh: Từ nay đến cuối năm, với diễn biến phức tạp của dịch viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm…, chúng tôi cho rằng, ngành chăn nuôi vẫn sẽ còn nhiều thách thức. Đồng thời, giá thức ăn nguyên liệu vẫn sẽ duy trì ở mức ổn định, chưa giảm nhanh được, chính vì thế, giá thành sản xuất đối với chăn nuôi sẽ còn gặp khó khăn.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo và sự thích nghi tốt của khu vực doanh nghiệp, trang trại lớn, chúng tôi hy vọng rằng giai đoạn từ nay đến cuối năm vẫn có thể cung cấp đủ nguồn thực phẩm cho người dân và phục vụ cho cả dịp Tết.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có những chỉ đạo để có những dự báo về thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thị trường sản phẩm đối với thịt lợn, gia cầm phù hợp và sát thực tế hơn để người chăn nuôi có định hướng phát triển phù hợp. Việc chuyển đổi của bà con từ chăn nuôi lợn, gia cầm sang nuôi gia súc ăn cỏ cũng là một định hướng quan trọng cũng như trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng là giải pháp cần có sự phổ biến ngay từ mảng khuyến nông cũng như chỉ đạo của Bộ để bà con có thể tiếp cận được.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!/.

 
BT (ghi)
337 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 899
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 899
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77204388