Phát triển năng lượng tái tạo giúp chống biến đổi khí hậu, giảm khí thải nhà kính.
Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam lần thứ 4 sẽ diễn ra từ ngày 17 -18/ 9/2019 tại Hà Nội. Tuần lễ được đồng tổ chức bởi Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì Khí hậu Việt Nam (VCCA), Nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG). Chủ đề thảo luận chính năm nay sẽ tập trung vào chuyển dịch năng lượng – xu hướng trên thế giới, cơ hội, thách thức và giải pháp cho Việt Nam.
Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh, năng lượng tái tạo đã trở thành nguồn cung cấp điện sạch được quan tâm đầu tư lớn nhất và trở thành mũi nhọn của chuyển dịch năng lượng toàn cầu trong vài năm trở lại đây.
Tính đến tháng 4 năm 2019, năng lượng tái tạo chiếm 1/3 công suất điện toàn cầu. Năng lượng tái tạo đã được thừa nhận rộng rãi là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất cho nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh của Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2020 tổng nguồn điện quốc gia được cung cấp bằng năng lượng tái tạo là 7% vào năm 2020 và con số này tăng lên 10% vào năm 2030. Trong hai năm qua, Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách và cơ chế hỗ trợ phát triển các loại hình năng lượng tái tạo như hỗ trợ giá cho điện mặt trời, điện gió. Tính tới tháng 7 năm 2019, điện mặt trời và điện gió là hai nguồn năng lượng tái tạo chính được đưa vào vận hành thương mại với mức công suất lần lượt đạt 4.543,8MW và 626,8MW, chiếm hơn 9% tổng tổng cơ cấu nguồn điện quốc gia. Kết quả thực tế này đã vượt xa mục tiêu đặt ra tới 2020.
Là quốc gia có nguồn tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, Việt Nam cần ưu tiên phát huy tối đa lợi thế này vì lợi ích kinh tế xã hội và môi trường sống trong lành cho người dân. Năng lượng tái tạo có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn cho Việt Nam, tạo ra nguồn thu nhập mới cho nông dân và các địa phương. Ngoài ra, nguồn năng lượng tái tạo nội địa có thể giúp Việt Nam tự chủ hơn về năng lượng và giảm thiểu tác động bởi các biến động trong giá than, khí đốt và dầu trên thị trường thế giới. Nó sẽ làm giảm chi phí nhập khẩu của quốc gia về dài hạn, củng cố nền kinh tế và giảm phát thải cho Việt Nam, từ đó cải thiện sức khỏe con người và phúc lợi chung.
VSEA khởi xướng Tuần lễ Năng lượng Tái tạo Việt Nam lần đầu vào năm 2016, và giờ đây sự kiện đã trở thành diễn đàn thường niên để các bên liên quan thảo luận về mối quan tâm cũng như ý tưởng và các giải pháp mới cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Tuần lễ Năng lượng tái tạo lần thứ 3 năm 2018 đã thu hút hơn 500 đại biểu tham dự, gây quỹ tài trợ 01 hệ thống điện mặt trời nối lưới và công trình nước sạch cho Trường tiểu học Cư Pui tại tỉnh Đắc Lắc và khởi động sáng kiến Triệu Ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng.
Việt Nam chỉ trong vòng một năm qua đã có những bước tiến quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực và nguồn tài chính… Để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này đồng thời đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, sự ủng hộ của các bên liên quan và tính nhất quán của các chính sách phát triển năng lượng cũng như quy hoạch điện VIII, rất cần nỗ lực hợp tác nhiều hơn nữa từ tất cả các bên liên quan.
Sau Lễ khai mạc Tuần lễ Năng lượng Việt Nam 2019 sẽ diễn ra một loạt các hội thảo, với mục tiêu: Tạo ra diễn đàn trao đổi thông tin, đối thoại đa bên nhằm xác định khó khăn, thách thức và đưa ra các đề xuất giải pháp đóng góp vào đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng đảm bảo công bằng ở Việt Nam. Cập nhật và chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển dịch năng lượng tái của các nước trên thế giới. Thảo luận về đồng lợi ích của phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam. Thúc đẩy các ứng dụng thực tiễn của năng lượng mặt trời như điện mặt trời áp mái, mô hình kết hợp điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp. Vận động tăng cường nguồn tài chính cho năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả./.
Mạnh Hùng