Đây là một nội dung được trao đổi tại Hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước” vừa qua.
|
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phát biểu.Ảnh:VGP/Huy Thắng |
FDI tác động tích cực đến tăng trưởng
Đại diện cơ quan quản lý, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong 2 quý cuối năm 2017, dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng bật tăng mạnh và cả năm nay có thể đạt mức 35 tỷ USD vốn đăng ký, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, vốn thực hiện dự ước khoảng 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Mại, chuyên gia về đầu tư nước ngoài, tác động lan toả của doanh nghiệp FDI chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp Việt Nam có vị trí hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể dẫn chứng là xuất khẩu dệt may 2016 đạt 30 tỷ USD, chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới, tuy nhiên, trong mỗi một chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp. Tình trạng "làm nhiều, hưởng giá trị thấp" tương tự cũng như với sản xuất các mặt hàng điện thoại di động điện thoại thông minh, máy tính bảng…
Ông Nguyễn Mạnh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ-Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách-Bộ Công Thương cũng cho biết, số lượng doanh nghiệp nội địa cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, máy công nghiệp.
Có không nhiều doanh nghiệp Việt tự thân có thể đáp ứng ngay được các yêu cầu chất lượng, có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp FDI. Công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý, chủng loại sản phẩm cung ứng còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu cao của khách hàng.
Ngoài ra, còn nhiều địa phương cạnh tranh “ngược” đưa ra những ưu đãi quá lớn cho nhà đầu tư FDI để chạy theo số lượng, chủ yếu để tạo việc làm và tăng GDP là chính, chưa chú trọng đến yếu tố chất lượng, chuyển giao công nghệ.
Cần chính sách kết nối
Theo các chuyên gia, hiện mới chỉ có khoảng 300 DN Việt Nam đủ tiêu chuẩn đáp ứng được các tiêu chí về sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho các tập đoàn nước ngoài, còn lại, vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI. Do đó, để nguồn vốn FDI đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, vấn đề đặt ra là cần tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và khu vực DN trong nước, làm sao để DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để tác động lan toả của khu vực FDI đối với doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tin, chủ động tiếp cận doanh nghiệp FDI, đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực. Từ đó, các doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ.
GS -TSKH Nguyễn Mại cho rằng chất lượng vốn mới là quan trọng nhất và một trong những yếu tố thể hiện chất lượng vốn chính là tác động lan toả đến nền kinh tế.
Về mô hình thành công nhất hiện nay về đầu tư FDI, ông Nguyễn Mại dẫn chứng trường hợp Tập đoàn Samsung, trước đây, doanh nghiệp này từng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện. Sau đó, doanh nghiệp này đã thay đổi cách làm, tự mình tìm hiểu, lựa chọn các nhà sản xuất trong nước có tiềm năng, cử chuyên gia đến làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam. Chuyên gia Samsung tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, đầu tư đúng công nghệ theo đúng tiêu chuẩn “đặt hàng”, giảm tiêu hao năng lượng, giảm hàng tồn kho, chi phí phân phối…
Nhờ cách làm này, đến nay, Samsung cho biết đã có 29 nhà cung cấp nội địa cấp 1 của Việt Nam, ông Nguyễn Mại chia sẻ.
Từ dẫn chứng này, các chuyên gia cho rằng, để phát triển công nghệ hỗ trợ, cần có nỗ lực từ cả hai phía. Đó là, các doanh nghiệp FDI cần có chiến lược hợp tác, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, chủ động giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, đáp ứng đúng nhu cầu của mình và tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp trong nước cần tự tin, chủ động tiếp cận doanh nghiệp FDI. Để tăng nội lực đáp ứng yêu cầu của đối tác, các doanh nghiệp Việt cần đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tìm kiếm phân khúc phù hợp để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI bằng các ưu đãi thích hợp; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực. Khuyến khích việc nhân rộng các mô hình thành công của các doanh nghiệp FDI như Samsung…
Góp ý chính sách về FDI, ông Lương Văn Khôi, Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế- xã hội Quốc gia-Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI và DN trong nước cần có điều khoản ràng buộc đối với nhà đầu tư FDI khi đầu tư vào Việt Nam. Ông Khôi nêu kinh nghiệm từ Trung Quốc hay một số nước, đó là có sự giám sát sau đầu tư rất chặt chẽ. Cụ thể, nếu sau một thời gian cam kết, nhận các ưu đãi chính sách mà các doanh nghiệp FDI không có sự liên kết, hay chuyển giao công nghệ thích ứng, thì các ưu đãi này sẽ phải rút lại.
Huy Thắng