Chuyện chưa kể bên cầu Hiền Lương 

Suốt cuộc trò chuyện với người cựu chiến binh có 10 năm “tuổi” nghề - gác cầu ở vĩ tuyến 17 những năm đôi bờ Hiền Lương (Quảng Trị) chia cắt, chẳng mấy khi ông nhắc đến chuyện bom đạn ác liệt thời chiến. Ông say sưa kể về một người lính Cộng hòa cộc cằn, thô lỗ làm nhiệm vụ ở bờ Nam giới tuyến: Dù khởi đầu bằng những cuộc cãi vã, tưởng chừng không có hồi kết, nhưng rồi tiếng nói, màu da đã đưa những người lính ở hai bên bờ sông Bến Hải xích lại gần nhau...

Nam - Bắc một nhà

75 tuổi, ông Nguyễn Xuân Lực (trú tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) nom như một cựu giáo viên, với gọng kính hơi trễ, tóc bạc trắng. Ông bảo, đang ấp ủ in cuốn sách về những câu chuyện thời trận mạc, quãng thời gian gắn với cây cầu Hiền Lương lịch sử.

Năm 1962, ông Lực được cử về phía Bắc cầu Hiền Lương làm công tác binh vận với tên gọi là Lương, cấp bậc chuẩn úy. Hằng ngày, ông và 16 đồng đội thay phiên nhau, thường đưa bưu thiếp từ miền Bắc gửi vào miền Nam. Ở cạnh đơn vị của ông Lực, còn có đơn vị nội địa với 25 người là công an vũ trang và một trung đội của Bộ Quốc phòng tăng cường. Tuy nhiên, theo quy định chỉ cho phép 17 người làm công tác binh vận được đi lại trên cầu Hiền Lương và tiếp xúc với công chức, quân nhân ở miền Nam.

Bờ Bắc và bờ Nam chỉ cách nhau đoạn sông ngắn, người bên này nhìn thấy người bên kia và họ vẫn qua lại, tiếp xúc với nhau khi có việc cần, nhưng hằng ngày tiếng loa ở bờ Nam liên tục dội sang với những lời lẽ khó nghe. Thậm chí, cứ giáp mặt ở trên cầu, là những người lính Cộng hòa lại chửi ra rả vào mặt ông Lực và những đồng đội. Trong số đó, “to mồm” và hung hăng nhất là một thượng sĩ cảnh sát có tên là Vĩnh. “Ông Vĩnh cứ gặp anh em là chửi rủa, không gặp thì tuyên truyền luận điệu chống phá qua loa. Nhưng ông này rất được lòng những người lính Cộng hòa, vì vậy chúng tôi quyết tâm phải cảm hóa bằng được” - ông Lực, kể.

Lần nào tiếp cận được Vĩnh , anh em đều hỏi han về gia đình, và nhận là đồng hương vì cùng là người Quảng Trị. Vĩnh cứng đầu, không trả lời mà gạt phắt đi, lúc nào cũng kiếm cớ, bắt bẻ để gây sự. Nhưng các anh em vẫn kiên trì, nhẹ nhàng, lịch sự. Có hôm, 3 người lính Cộng hòa trong đó có Vĩnh sang phòng khách ở bờ Bắc vĩ tuyến đưa bưu thiếp, ông Lực tiếp đón, ký nhận bưu thiếp xong, bày thuốc lá, trà bánh, mời ngồi lại trò chuyện. Nhưng ban đầu, câu chuyện vẫn là những lời đối đáp chát chúa.

Ông Lực lần lượt đặt câu hỏi, ai là người gây ra chiến tranh? Thiệt hại về cả vật chất lẫn tinh thần ai là người đang gánh chịu?; Âm mưu của kẻ thù là gì?. Không để cho ông Vĩnh kịp trả lời, ông Lực nói luôn đã là người Việt, chung dòng máu, chung màu da thì có quyền đánh giặc để giải phóng quê hương. Vì vậy không kể miền Bắc hay Nam, đâu cũng là người Việt Nam cả, nên ai cũng phải có trách nhiệm.

Ông Lực và đồng đội dồn dập chất vấn: “Các ông trả lời xem xác chết trên chiến trường là ai, có phải người Việt Nam không? Còn bom đạn của ai, có phải của người nước ngoài không? Và cố vấn dẫn đến những trận chiến gây thiệt hại cho người Việt Nam có phải là người nước ngoài không?”. Các câu hỏi không nhận được câu trả lời, nhưng cũng không còn sự đáp trả hằn học, rồi những người lính Cộng hòa lặng lẽ quay lưng trở về bờ Nam. “Nhưng khi đi qua cổng chào đầu cầu, ông Vĩnh bỗng nhiên đi chậm lại rồi ngước lên nhìn dòng chữ “Nam Bắc một nhà”, ông Lực nói.

Chuyện chưa kể bên cầu Hiền Lương ảnh 1
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lực. Ảnh: HƯNG THƠ

Bước chân lững thững trên cầu

Sau “sự kiện” nói trên, đến tháng 9.1964, trong một lần đưa bưu thiếp sang bờ Nam, những câu hỏi của đội binh vận vẫn chưa được ông Vĩnh giải đáp, nhưng bước chân của người lính Cộng hòa vẫn chậm lại khi đi qua cổng bờ Bắc, những lần gặp gỡ sau đó cũng ít tiếng hằn học hơn. Đến 28 tháng Chạp năm 1964 - ngày áp Tết Nguyên đán, ông Lực cùng đồng đội lại tiếp 3 người lính Cộng hòa quen thuộc bằng những sản vật của miền Bắc để mừng năm mới. 17h chiều, 2 người lính kia đã đến mố cầu bờ Nam, nhưng ông Vĩnh vẫn còn lững thững ở trên cầu.

Cảm nhận có chuyển biến, một đồng chí ở đội binh vận lập tức theo kịp ông Vĩnh và mở lời. Ông Vĩnh bảo, các anh nói có lý. Tôi nghe theo nhưng không ra miền Bắc được vì gia đình ở hết bên kia. Bây giờ muốn giúp cách mạng thì làm cách nào. “Đồng chí binh vận nhờ ông Vĩnh tìm hiểu ai là người quan trọng nhất ở đồn bên kia giới tuyến. Và nói rằng lúc nào chính quyền bên kia thả biệt kích chống phá thì báo giúp. Ngoài ra, nếu biết những người tham gia hoạt động cách mạng ở miền Nam thì đừng ngăn cản họ.

Và đặc biệt, cần cảm hóa cho những người bên cạnh anh. Còn nếu không làm được những việc này thì lên rừng làm du kích” - ông Lực, thuật lại. Ít lâu sau đó, người lính Cộng hòa “hồi âm” cho ông Lực rằng, nếu bắt được du kích, sẽ không tra tấn và yêu cầu trả về với lý do họ chỉ là nông dân. Còn những việc kia lớn quá, không làm được vì địa vị không cho phép. “Còn làm du kích trên rừng, tôi chịu vì không quen khổ được”, ông Vĩnh nói.

Thời gian sau đó, cuộc gặp gỡ giữa người lính Cộng hòa với những người lính ở bờ Bắc bên ngoài vẫn tỏ ra căng thẳng, nhưng sau đó là những cái nhìn đầy chủ ý. Năm 1965, bộ đội ta 3 lần tổ chức tấn công qua bờ Nam và diệt được nhiều tên ác ôn. Đáng chú ý là trong một cuộc họp, đồng chí Phan Chung - Bí thư xã Trung Hải (huyện Gio Linh) tiết lộ: Cả 3 cuộc tấn công đều có sự giúp đỡ của một số anh em lính Cộng hòa giác ngộ.

Gặp gỡ sau chiến tranh

Tháng 3.1965, địch bắt đầu ném bom ác liệt ở giới tuyến cho đến tháng 7.1967 thì toàn bộ hệ thống quân sự rút hết vào Nam vì quân giải phóng của ta tiến vào Quảng Trị. Từ đó, đội binh vận không còn gặp ông Vĩnh nữa. Riêng ông Lực làm nhiệm vụ đến năm 1973 thì chuyển công tác sang làm cán bộ văn hóa vì bị thương. Mãi đến năm 1981, trong một chuyến công tác ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), ông Lực ghé thăm chợ trung tâm ở thị trấn Khe Sanh, chợt có người vỗ vai: “Ê, có phải anh Lương”. Ông Lực giật mình, nhận ra người đàn ông đối diện mình là ông Vĩnh - người lính Cộng hòa năm nào. Hai người lính ôm chầm lấy nhau, rớt nước mắt.

Ông Vĩnh kéo ông Lực về nhà riêng ở bản Pa Nho (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa), dọn rượu hàn huyên. Ông Vĩnh kể từ lúc nhận ra vấn đề, đã ấp ủ nhiều kế hoạch nhưng không thực hiện được, sau đó giải ngũ và xin lên miền núi Hướng Hóa để làm kinh tế mới. Ông Vĩnh tâm sự: “Lúc đó cứ nghe “côi rừng” (du kích) là run, vì bao nhiêu nguy hiểm và khó khăn, riêng ăn lá tàu bay đã không chịu được. Nhưng nghĩ lại, cũng là người Việt Nam, không làm được việc gì lớn giúp quê hương thì cũng phải xây dựng quê hương chớ. Rứa là tôi mạnh dạn đưa vợ con lên đây khai hoang đất đai, nên mới có cơ ngơi ngày hôm nay”.

Câu chuyện hai cựu binh bên cầu Hiền Lương năm nào kéo dài cả ngày. Lời nói của những người lính làm công tác binh vận năm nào, rằng giới tuyến tạm thời chia cắt đất nước làm hai, nhưng con người một khi cùng màu da, cùng giọng nói thì trước sau cũng hòa làm một, đã thành hiện thực.

1474 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 473
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 473
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86627178