Bà Hồ Thị Thương trao đổi: “Cả đời tôi chỉ biết lên rẫy gieo hạt lúa, hạt ngô để kiếm cái ăn. Năm nào nhà tôi cũng đã thiếu đói, con cái không được học hành. Mấy tháng trước, thấy bà con trong thôn tham gia làm ống hút tre do cán bộ Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đến tận nhà hướng dẫn, tui muốn làm nhưng còn phân vân. Sau được họ đến tận nhà, hướng dẫn cụ thể cách làm nên làm theo. Chừ có thêm việc làm ống hút rồi, có người đến mua tận nhà nên gia đình tôi không lo thiếu đói nữa”.
Còn với chị Hồ Thị Xăm, việc được hỗ trợ sản xuất ống hút tre mang đến niềm hi vọng đổi thay về kinh tế. Chị Xăm bảo, trước đây, hai vợ chồng ngoài đi làm rẫy, đi rừng thì ai kêu chi làm nấy. Đầu tắt mặt tối cả ngày nhưng không đủ ăn. Con cái nhỏ nên chị phải ở nhà chăm con, gánh nặng dồn lên vai chồng, chuyện thiếu đói thường xuyên diễn ra.
|
Bà con thôn Chênh Vênh giới thiệu với khách sản phẩm ống hút tre. |
“Tuy việc làm ống hút tre khá công phu, đòi hỏi tuân thủ các bước để đảm bảo đẹp, vệ sinh, đúng kích thước, nhưng làm riết rồi thành quen. Chừ chỉ cần siêng năng thì tháng nào cũng kiếm ra tiền từ việc làm ống hút tre”, chị Xăm bộc bạch. Cách làm ăn mới không chỉ giúp những người phụ nữ như bà Thương hay chị Xăm tìm ra phương kế đổi thay đời sống kinh tế mà còn giúp “kéo” nhiều người đàn ông ra khỏi bàn rượu, lên rừng chặt tre về sản xuất ống hút.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, điều phối viên dự án Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam tại Quảng Trị cho biết, hỗ trợ bà con đồng bào thiểu số sản xuất ống hút tre là một nội dung chính của dự án hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số, góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn, bỏ học sớm ở khu vực miền núi này mà nguyên nhân căn bản nhất vẫn là do nghèo khó.
Hiện đã có hàng chục hộ gia đình ở 3 xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập tham gia tìm việc làm và sản xuất ống hút tre. Đây là giải pháp thiết thực, vừa giúp bà con tăng thu nhập, vừa góp phần hướng bà con đến thị trường sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Thời gian tới, chúng tôi ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu bằng giải pháp trồng tre tại vườn, đồng thời tìm cách liên kết để giúp bà con đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ”, anh Tùng cho biết thêm. Nhìn những đôi tay chai sần đã quen với việc làm nương, làm rẫy nay miệt mài điều khiển máy cắt những ống hút tre đều đặn; những gương mặt sạm nắng giãn ra với nụ cười vui mà trong tôi dâng lên bao bồi hồi, xúc cảm.
Ngày mai, sản phẩm ống hút tre kia của bà con sẽ được chuyển về phố xá, ra nước ngoài, thu nhập của bà con sẽ khấm khá và đều đặn hơn gấp nhiều lần những vụ mùa trên nương rẫy nhờ trời. Câu chuyện giúp người nghèo có “cần câu” để câu “con cá” ở vùng núi xa xôi hẻo lánh này đang dần thành hiện thực...
Thanh Bình