Chuyện cảnh sát biển bắt xăng dầu lậu 

(petrotimes.vn) - Các đối tượng buôn lậu xăng dầu thường chọn đường biển bởi khối lượng buôn lậu lớn, vùng biển nước ta rộng, khó kiểm soát. Nhưng tại Vùng Cảnh sát biển 2 (từ đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị tới Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định và Biển Đông), các chiến sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng cho những hành trình không ngày nghỉ trên biển để thực thi pháp luật.

Chuyên án phá đường dây buôn lậu 5 triệu lít dầu

Trong nhiều chiến công của các cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2, nổi bật là chiến công phát hiện, bắt giữ vụ buôn lậu với tang vật là gần 5 triệu lít dầu diesel trên biển.

chuyen canh sat bien bat xang dau lau
Các chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 tiếp cận tàu Pacific Ocean (ảnh do Cảnh sát biển cung cấp)

“Đó là hành trình kéo dài hàng tháng trời trên biển. Chúng tôi đã nắm thông tin và bắt đầu theo dõi từ khi tàu vi phạm chưa vào vùng biển Việt Nam”, Thượng tá Lê Phúc Tiến, Trưởng phòng Pháp luật của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, kể lại với chúng tôi về chuyên án này.

Tháng 4-2018, trên khu vực biển gần đảo Cồn Cỏ thuộc vùng biển Việt Nam xuất hiện một con tàu lớn mang tên Pacific Ocean mang quốc tịch Singapore đang thả neo, bơm lậu dầu diesel cho một tàu vỏ sắt. Giữa mênh mông sóng nước, các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển đã thực hiện vụ bắt giữ ngoạn mục. Đây là kết quả của quá trình trinh sát hàng tháng trời, xác minh, nắm thông tin và theo dấu tàu vi phạm. Bốn trinh sát của lực lượng cảnh sát biển đã phải lênh đênh cùng sóng gió suốt hai tháng liền để đeo bám con tàu chở dầu Pacific Ocean.

Trong khoang hàng chiếc tàu vỏ sắt là hơn 800 nghìn lít dầu diesel được bơm từ tàu Pacific Ocean. Trên tàu vỏ sắt có 3 thuyền viên, do một người Trung Quốc làm thuyền trưởng, chuyên chở dầu lậu. Con tàu này không tên, không số hiệu, không treo cờ. Thuyền trưởng không xuất trình được bất kỳ một loại giấy tờ gì để chứng minh tính hợp pháp của phương tiện khi đang hiện diện ngay trên vùng biển chủ quyền Việt Nam.

Trong khi các thuyền viên tàu vỏ sắt hợp tác tốt với lực lượng cảnh sát biển, thì phía bên kia, trên con tàu Pacific Ocean, các thuyền viên đã tỏ thái độ chống đối, khước từ mọi mệnh lệnh, không hợp tác với lực lượng chấp pháp Việt Nam. Trong quá trình xử lý vụ việc, các đối tượng liên tục dùng nhiều cách, thậm chí đưa ra các vấn đề liên quan đến thời tiết, tự do đi lại trên vùng đặc quyền kinh tế, tự do vận chuyển hàng hóa trên biển… để che giấu hành vi vi phạm của mình. Đồng thời, tính chất vụ việc còn liên quan đến vấn đề đối ngoại, ngoại giao… khiến quá trình điều tra, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ diễn ra hết sức khó khăn. Các chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 vừa phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, vừa phải bảo đảm được yếu tố chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với các nước có liên quan.

Từ thời điểm bắt quả tang vụ buôn lậu dầu trên biển, phải mất thêm 2 tháng trời, với sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, huy động thêm những cán bộ dày dặn kinh nghiệm của Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Phòng Quan hệ quốc tế của lực lượng, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ sắc bén, linh hoạt, các đối tượng trên tàu Pacific Ocean cuối cùng cũng đã phải thừa nhận sai phạm và ký vào biên bản vi phạm với tang vật là gần 5 triệu lít dầu diesel có nguồn gốc bất hợp pháp.

Tai mắt của ngư dân

Nếu như trên bờ, khi cần có thể nhanh chóng kêu gọi sự hỗ trợ, chi viện, thì ở ngoài khơi, thời khắc quyết định thành hay bại của các chiến sĩ cảnh sát biển mong manh hơn rất nhiều. Chưa kể, ngay cả khi đã cập mạn, lên được tàu, bắt quả tang, các đối tượng buôn lậu quốc tế cũng có hàng nghìn chiêu trò để đối phó, kể cả việc bày tỏ thái độ muốn mua chuộc lực lượng thực thi pháp luật.

chuyen canh sat bien bat xang dau lau
Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 2 làm việc với các đối tượng trong vụ buôn lậu xăng dầu trên tàu Pacific Ocean

“Điều kiện thời tiết phức tạp, vùng biển quản lý rộng, không dễ huy động sự hỗ trợ của các lực lượng khác, là những khó khăn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, cũng là điều mà tội phạm lợi dụng để hoạt động. Đặc biệt, khu vực miền Trung là địa bàn trung chuyển của nhiều tuyến trong nước và quốc tế, nên việc buôn lậu xăng dầu có chiều hướng phức tạp hơn theo từng năm. Bản lĩnh, kinh nghiệm qua từng vụ việc, nhất là tai mắt của hàng nghìn ngư dân ta trên biển là niềm tin giúp cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 vững vàng hơn, sẵn sàng ra khơi trong mọi trận chiến”, Đại tá Bùi Minh Trứ - Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 nói.

Riêng trong năm 2019, các chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 đã phát hiện, xử lý 5 vụ buôn lậu với 5 tàu vi phạm, trong đó có nhiều vụ khá lớn như vụ tàu Tiến Phát 18 chở 3.000 tấn quặng titan không rõ nguồn gốc từ Bình Thuận ra phía Bắc tiêu thụ…

Tại Vùng Cảnh sát biển 2, anh em trinh sát đã lăn lộn rất nhiều trên biển lẫn đất liền để xây dựng một hệ thống mạng lưới cơ sở bí mật nhằm phát hiện, nắm thông tin từ xa trong nhiều vụ việc, nhất là các vụ có yếu tố nước ngoài. Bỏ công sức đeo bám dài ngày, nắm rõ từng di biến động của đối tượng trên biển, tính toán thời cơ để kiên quyết bắt giữ. Nghe qua thì đơn giản, nhưng đó là thành quả của cả một hành trình trui rèn bản lĩnh, ý chí, làm chủ các phương tiện kỹ thuật và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quản lý bờ biển khác như Hải quân, Biên phòng… Qua hàng chục vụ buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, các cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 không ít lần đối mặt với đối tượng là thành viên của một tổ chức tầm quốc tế.

“Mạng lưới quan sát vùng biển hiện nay của Việt Nam tương đối hiện đại, chặt chẽ, vừa là cơ sở để phát hiện, vừa là cơ sở pháp lý để đấu tranh với các đối tượng vi phạm. Ngoài ra, để họ “tâm phục, khẩu phục”, nhiều lúc anh em cũng phải thông qua các biện pháp nghiệp vụ, mối quan hệ với cảnh sát biển các nước để thu thập thêm thông tin về các đối tượng và xác minh các nội dung liên quan đến vụ việc. Chúng tôi luôn có niềm tin rằng khi mình thực thi đúng pháp luật Việt Nam, sẽ “đánh thắng” những vụ buôn lậu tương tự, dù đối tượng có tinh vi, thủ đoạn đến mức nào đi nữa”, Thượng tá Lê Phúc Tiến - Trưởng phòng Pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 khẳng định.

Trong tình hình mới, việc ngăn chặn buôn lậu xăng dầu trên biển đầy thử thách cả về mức độ phức tạp lẫn những thách thức để chứng minh được vi phạm, thực thi đầy đủ pháp luật Việt Nam trên vùng biển chủ quyền. Ngoài buôn lậu xăng dầu, các đối tượng còn buôn lậu nhiều hàng hóa khác như khoáng sản, quặng, pháo nổ. Riêng trong năm 2019, các chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 đã phát hiện, xử lý 5 vụ buôn lậu với 5 tàu vi phạm, trong đó có nhiều vụ khá lớn như vụ tàu Tiến Phát 18 chở 3.000 tấn quặng titan không rõ nguồn gốc từ Bình Thuận ra phía Bắc tiêu thụ… Thời điểm cuối năm, các đối tượng còn dùng mọi thủ đoạn để đưa hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại, trong đó có cả mặt hàng cấm như pháo nổ.

Hà Anh

853 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1227
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1227
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87149764