Kết quả, tính đến tháng 9/2018, tổng số tàu thuyền trên địa bàn toàn tỉnh là 2.318 chiếc với tổng công suất 123.744 cv. Trong đó, số tàu có chiều dài lớn nhất dưới 15m có 1.933 chiếc, từ 15m trở lên có 385 chiếc. Các nghề khai thác chủ yếu là nghề lưới rê các loại có 1.773 chiếc, nghề lưới vây có 128 chiếc, nghề câu có 35 chiếc, còn lại các nghề khác 382 chiếc.
Số lượng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên theo nghề đang hoạt động 662 chiếc với các nghề khai thác lưới vây 130 chiếc, lưới rê 220 chiếc, nghề câu 31 chiếc, nghề chụp 8 chiếc và các nghề khác là 273 chiếc.
Từ năm 2014 đến tháng 9/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 46 văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Trong đó, 25 tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và 21 tàu đóng mới theo các nguồn vốn khác (17 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite và 26 tàu vỏ gỗ). Hầu hết các chủ tàu sau khi được chấp thuận đóng mới tàu đã nhanh chóng triển khai, kịp thời đưa tàu vào hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển xa. Việc cấp văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện theo đúng quy định về đối tượng và số lượng đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao tại Quyết định 3602/QĐ-BNN-TCTS ngày 19/8/2014.
Bên cạnh đó, số lượng tàu cá trên 400 cv của địa phương đang tăng lên đáng kể cả về số lượng và chất lượng nhờ việc thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, phát triển thủy sản của Nhà nước như Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, số tàu cá có công suất dưới 20cv còn chiếm tỷ lệ cao (1.780/2.318 chiếc) chiếm 76,8% tổng số lượng tàu cá của tỉnh; tàu có chiều dài lớn nhất dưới 15m có 1.933 chiếc, chiếm 83,4% trên tổng số 2.318 chiếc của toàn tỉnh, điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với khai thác hải sản ở vùng bờ. Do vậy, trong những năm gần đây Sở Nông nghiệp và PTNT không cấp văn bản chấp thuận cũng như không khuyến khích đóng mới tàu cá dưới 30cv, tàu cá làm nghề lưới kéo dưới mọi hình thức, kể cả tàu giải bản, bị hư hỏng mục nát hoặc bị tai nạn theo quy định tại Thông tư 02/2006/TT-BTS ngày 20/2/2006 của Bộ Thủy sản nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Bằng việc làm trên số lượng tàu cá có công suất nhỏ phục vụ đánh bắt hải sản ở vùng bờ và vùng lộng tăng rất ít trong 5 năm trở lại đây, đồng thời tàu có công suất lớn có thể vươn khơi đánh bắt xa bờ tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, mặc dù nguồn hải sản xa bờ dồi dào, có tiềm năng khai thác lớn và hầu hết những tàu đang đánh bắt xa bờ đều thu lại lợi nhuận khá trở lên nhưng vẫn chưa thể là động lực để nhiều ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để xa bờ. Nguyên nhân một phần xuất phát từ khả năng kinh tế hạn hẹp của cá nhân, ngoài ra đánh bắt xa bờ tuy có tiềm năng lớn nhưng có nhiều rủi ro khiến cho những người ngư dân không dám mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn. Số lượng tàu thuyền có công suất nhỏ phục vụ đánh bắt vùng bờ và vùng lộng trong những năm gần đây không tăng nhưng vẫn chưa cân đối với số lượng tàu đánh bắt xa bờ hiện có, điều này có thể dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái biển trong tương lai không xa. Để tránh điều này, các cơ quan chức năng đang nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để tiếp tục có những chuyển biến tích cực trong cơ cấu tàu thuyền của tỉnh.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các địa phương khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, mua mới tàu xa bờ, cải hoán và nâng cấp tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi đánh bắt dài ngày hơn, tiến tới giảm dần số tàu cá ven bờ, không thực hiện cấp văn bản chấp thuận đóng mới và có định hướng giảm dần khối tàu cá có công suất dưới 30cv, tàu cá chiều dài dưới 15m. Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẵn sàng tạo mọi điều kiện, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, nhất là trong lĩnh vực đánh bắt hải sản xa bờ.
Điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền được xác định là một trong những việc làm quan trọng, có ý nghĩa lâu dài. Để ngư dân được hưởng lợi từ hệ sinh thái biển không chỉ ngày một ngày hai, bên cạnh đó để hoạt động khai thác hải sản của ngư dân không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển thì các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp của chính những người ngư dân. Hy vọng rằng cơ cấu tàu thuyền của tỉnh tiếp tục đạt được kết quả tốt, nhiều con tàu có công suất lớn sẽ được đóng mới và vươn khơi trong thời gian sắp tới để Quảng Trị khai thác tốt hơn nữa tiềm năng kinh tế biển.
Thảo Nhi