|
Ảnh minh họa |
Triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, ngày 06/02/2017, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 328/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan ban hành kế hoạch hành động tại Quyết định số 737/QĐ-TCHQ ngày 08/3/2017 với mục tiêu, yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể cùng 11 nhóm nhiệm vụ, 29 nhóm giải pháp và 39 nhóm sản phẩm nhằm tiếp tục cải cách hiện đại hóa, tạo thuận lợi thương mại, kiểm soát tuân thủ, bảo đảm nguồn thu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí trong thực hiện các TTHC trong lĩnh vực XNK.
Trong thời gian qua, cơ quan hải quan thực hiện cải cách TTHC nhằm giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời bảo đảm kiểm tra, kiểm soát hàng hóa XNK chính xác theo đúng chức trách của mình.
Để thực hiện đồng thời cả hai mục tiêu đó, ngành Hải quan đã thường xuyên rà soát đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan, pháp luật thuế XNK, trong đó phải cân đối giữa quy định về cải cách, đơn giản hóa TTHC với quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan để bảo đảm sự hài hòa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.
Từng bước triển khai áp dụng sâu rộng các phương pháp quản lý hải quan hiện đại như quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ, kiểm tra sau thông quan, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên về hải quan, xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan… để bảo đảm giải quyết nhanh thủ tục hải quan nhưng việc kiểm tra, giám sát hải quan vẫn đạt yêu cầu đề ra.
Tổng cục Hải quan thường xuyên tổ chức kiểm soát có hiệu quả việc thực hiện thủ tục hải quan trong toàn Ngành theo 3 cấp (cấp Chi cục, cấp Cục, cấp Tổng cục).
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác nghiệp vụ và giải quyết thủ tục hải quan nhằm mục đích để vừa xử lý nhanh, gọn hồ sơ hải quan vừa bảo đảm giám sát hải quan có hiệu quả đối với hàng hóa XNK.
Quá trình nội luật hóa các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật hải quan phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và điều kiện, khả năng của ngành Hải quan.
Với những giải pháp trên, ngành Hải quan đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan với việc rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật hải quan để xác định danh mục văn bản cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 của Bộ Tài chính.
Trên cơ sở chương trình đã được Bộ Tài chính duyệt, Tổng cục tập trung nguồn lực soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo hướng tuân thủ chủ trương về cải cách TTHC, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do, hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Luật khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện mô hình thủ tục hải quan điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.
Ngành Hải quan cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan, giữa các cơ quan với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân. Triển khai các hệ thống như: VNACCS/VCIS; Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN; ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; cung cấp dịch vụ công và phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ, góp phần tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp.
Giải pháp cải cách TTHC trong năm 2018
Công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan thời gian qua bên cạnh những ưu điểm cũng còn những hạn chế, tồn tại, như: Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật hải quan còn chậm so với tiến độ đề ra; công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK chưa thực sự cải cách mạnh mẽ, còn là rào cản gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp; hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật hải quan để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt đầy đủ, việc thực hiện còn chưa phong phú về phương pháp, cách tiếp cận và thường xuyên trong toàn hệ thống, đặc biệt ở cấp cơ sở…
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong năm 2018, ngành Hải quan tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục cải cách thủ tục hải quan thông qua công tác xây dựng pháp luật hải quan, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ cao nhất của văn bản.
Hai là, tổ chức thực hiện và kiểm soát có hiệu quả việc thi hành pháp luật hải quan của cơ quan, công chức Hải quan và các chủ thể có liên quan.
Ba là, nâng cấp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ và giải quyết TTHC hải quan./.
PM