Chuyện “gieo chữ” của “thầy giáo quân hàm xanh” 

Biên phòng - Nhiều năm qua, mỗi tuần 3 buổi, lớp học đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị lại sáng đèn bên những sườn đồi ở vùng cao biên giới. Với mong muốn đem cái chữ đến với các mẹ, các chị, những người phụ nữ vốn tảo tần, chịu nhiều thiệt thòi, xưa nay chỉ biết đến cái nương, cái rẫy, những người lính quân hàm xanh đã miệt mài, tận tâm triển khai công tác xóa mù chữ trên địa bàn biên giới huyện Hướng Hóa. Từ đó, nâng cao trình độ nhận thức, góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng xã hội học tập tại khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị.

Trong cái lạnh tê tái của mùa Đông vùng cao, lớp học đặc biệt tại điểm trường thôn A Dơi Đớ và thôn Prin Thành, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn vang lên giọng đọc chưa rõ tiếng phổ thông của các chị, các mẹ. Gọi là lớp học đặc biệt, bởi đối tượng học lớp xóa mũ chữ chỉ có phụ nữ, nhưng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Từ trước đến nay, các mẹ, các chị hầu như chỉ biết đi rừng, phát rẫy, làm nương, cuộc sống hàng ngày gắn liền với củ sắn, củ khoai, nương ngô chứ không quen cầm bút, cầm sách. Và đặc biệt hơn nữa, lớp học lại được hướng dẫn bởi người lính mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị.

Chia sẻ về lớp học đặc biệt ở xã biên giới A Dơi xa xôi, Thượng úy Hồ Văn Hữu, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Tầng, Chủ nhiệm lớp tại điểm trường thôn A Dơi Đớ cho biết: “Lớp học do tôi phụ trách có 35 học viên, đa số đều là phụ nữ người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, ở nhiều độ tuổi khác nhau, người lớn nhất cũng hơn 60 tuổi, người ít tuổi nhất 15-16 tuổi, phần lớn là lao động trụ cột trong gia đình, nên việc vận động học viên đến lớp học tập đều đặn cũng gặp không ít trở ngại. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm của người lính Biên phòng, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã vận động được hầu hết các học viên tham gia lớp xóa mù chữ.

Trong quá trình giảng dạy, thấy các mẹ, các chị đã lớn tuổi, nhưng mọi người đều có tinh thần ham học, muốn biết cái chữ, thích học phép tính. Vì thế, mỗi khi đứng lớp, chúng tôi phải chọn những phương pháp dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kết hợp với tuyên truyền chính sách pháp luật, bãi bỏ các phong tục lạc hậu, chú trọng đưa nếp sống văn minh tới bà con. Từ đó, tạo hứng khởi để bà con chuyên cần đến lớp, đưa lớp học dần đi vào ổn định, người dân biết đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, cũng như có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động”.

Chị Hồ Thị Nữ, lớp trưởng lớp xóa mù chữ của thôn Prin Thành chia sẻ: “Ban ngày, mình phải lên nương làm rẫy, chiều về nấu cơm, tắm rửa cho con cái, tối đi học chữ với các chú BĐBP. Trước đây, do không biết mặt chữ, con số, mình xấu hổ và ngại đi chợ lắm, cầm tiền chỉ sợ người ta lừa mình. Từ ngày có BĐBP về dạy chữ, mình thích học lắm, hễ nghe tiếng kẻng báo giờ vào học của thầy giáo, Thiếu tá Hồ Văn Hai, Đội trưởng Kiểm soát hành chính, Chủ nhiệm lớp tại điểm trường thôn Prin Thành, xã A Dơi vang lên là mình và bà con có mặt đông đủ. Hiện giờ thì mình đã đánh vần, đọc thành thạo chữ cái rồi, biết viết tên chồng, con mình nữa. Cảm ơn tấm lòng của các chú BĐBP Ba Tầng nhiều lắm. Sau này, học hết cái chữ, mình sẽ đọc báo, tìm thêm sách để biết cách làm kinh tế hiệu quả, rồi áp dụng cho gia đình mình xóa đói, giảm nghèo, đưa đời sống ngày một đi lên...”.

Các học viên của thôn Prin Thành mỗi buổi chiều lên nương làm rẫy, trở về nhà khi nắng đã tắt, các mẹ, các chị lại tất bật lo việc gia đình và chuẩn bị sách vở đến trường học con chữ do chính những người lính quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Ba Tầng trực tiếp giảng dạy. Hành trang hôm nay của họ không chỉ có cái cày, cái cuốc, mà còn có những tập sách, từng con chữ cũng theo họ lên nương. Nhìn thấy hình ảnh Thiếu tá Hồ Văn Hai dạy các chị, các mẹ nắn nót, tỉ mẩn tập viết từng nét chữ, đọc to, rõ ràng từng thanh âm tiếng Việt, điều đó như minh chứng về tình cảm sâu nặng, keo sơn của quân - dân nơi biên cương Hướng Hóa này.

Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết: “A Dơi là xã biên giới đặc biệt khó khăn, toàn xã có 6 thôn, bản, dân số trên 3.700 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Đặc biệt, thôn A Dơi Đớ có 244 khẩu là người Lào mới nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2018. Ngoài những người trong độ tuổi đến trường thì đa số bà con chưa biết tiếng Việt phổ thông. Hiện, Đồn Biên phòng Ba Tầng và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi đang phối hợp duy trì 2 lớp học tại 2 điểm trường của thôn A Dơi Đớ và thôn Prin Thành, với 70 học viên, mỗi lớp học có 30-35 học viên tham gia. Mỗi tuần triển khai học 3 buổi tối (xen kẽ các ngày chẵn, lẻ trong tuần), dự kiến, khóa học kéo dài trong 6 tháng. Về trước mắt, các lớp học mới chỉ triển khai giảng dạy cho học viên là các mẹ, các chị trên địa bàn, sau khi đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, phòng học, chất lượng giảng dạy và nhu cầu học viên, tiếp đến sẽ mở rộng cho các đối tượng khác”.

Chia sẻ về lớp học xóa mù chữ do đơn vị đảm nhiệm, Trung tá Trần Đức Tứ thông tin: “Lớp học không chỉ giúp cho người dân nơi biên cương có kiến thức, biết đọc, biết viết, biết tính toán mà có thêm các kỹ năng sống. Từ đó, tự tin, mạnh dạn hơn trong ứng xử, giao tiếp, không sợ bị đối tượng xấu lừa gạt. Đặc biệt, biết được chữ sẽ giúp bà con có thêm động lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế vào lao động, sản suất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi vận động, tuyên truyền cho bà con thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Kim Nhượng

261 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 973
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 973
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87119898