Chương trình xác định 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể là: (1) Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, Chương trình trọng tâm cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ban Chỉ đạo tỉnh; kịp thời quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chương trình, kế hoạch về cải cách tư pháp mới ban hành của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. (2) Các cơ quan tư pháp tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp thuộc trách nhiệm và lĩnh vực được phân công. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các loại án trong từng giai đoạn tố tụng. Chú trọng xử lý, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo về tư pháp và hoạt động tư pháp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ để giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc; các vụ án, vụ việc phức tạp kéo dài, dư luận quan tâm. (3) Các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật và đề án của Trung ương. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp. (4) Sở Tư pháp tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp và tổ chức hành nghề luật sư, trợ giúp pháp lý. Tham mưu xây dựng đội ngũ giám định tư pháp đủ về số lượng, đa dạng lĩnh vực, đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có kiến thức pháp lý, chuyên môn theo tiêu chuẩn để phục vụ kịp thời, có hiệu quả các hoạt động tố tụng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước nhất là thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các tổ chức công chứng, bán đấu giá tài sản hoạt động đúng pháp luật, bình đẳng, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp và các quy định, chính sách mới trong các luật, bộ luật được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh trong tham mưu tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. (5) Các ngành, đơn vị tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp theo đường lối đối ngoại của Đảng, quy định của pháp luật với các tỉnh Salavan, Savannakhet của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đối với ngành Tòa án, cần tăng cường phối hợp với các Tòa án biên giới để thực hiện tốt chủ đề “Phòng chống tội phạm xuyên biên giới” và “Giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự, kinh tế xuyên Quốc gia” mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã ký năm 2018. (6) Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tư pháp, định kỳ nghe báo cáo và cho ý kiến định hướng về công tác tư pháp ở đơn vị, địa phương mình; triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động tư pháp, cải cách tư pháp; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại đơn vị, địa phương mình; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác xử lý các vụ án, vụ việc. (7) Hội đồng nhân dân các cấp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả cơ chế giám sát và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan, các chức danh tư pháp. Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp; tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan và người đứng đầu các cơ quan tư pháp. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động tư pháp.
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và huyện quan tâm hỗ trợ bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp. Quy hoạch, bố trí quỹ đất theo yêu cầu để các cơ quan tư pháp đầu tư, xây dựng trụ sở đáp ứng yêu cầu khai trang, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW. (8) Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, Bộ quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư và các quy định về phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. (9) Ban Nội chính Tỉnh ủy - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh - chủ động xây dựng và tham mưu triển khai kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại một số cấp ủy trực thuộc. Tham mưu nội dung và các điều kiện đảm bảo tổ chức phiên họp thứ 8 và thứ 9 của Ban chỉ đạo. Tham mưu tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đảm bảo yêu cầu đề ra. Hải Yến