Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Việt Nam có tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi (2010) lên 73,3 tuổi (2015), từ năm 2010 đến năm 2015, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi từ 15,5% giảm còn 14,7%, tỷ suất trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 23,3% giảm còn 22,1%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân từ 16,8% giảm còn 14,1%.

Việt Nam cũng kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập, không để dịch lớn xảy ra. Lĩnh vực khám chữa bệnh đã phát triển nhiều kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức do chất lượng cuộc sống của người dân còn hạn chế, người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều, mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật. Thể lực, tầm vóc của người Việt còn phát triển chậm so với các nước, từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm 3cm, hiện nam là 164 cm, nữ là 153 cm.

Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, theo thống kê cứ 10 ca tử vong thì có gần 8 ca là do các bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, người Việt đang duy trì nhiều lối sống thiếu lành mạnh, hút thuốc, uống rượu bia mức nguy hại, ăn ít rau trái cây, lười vận động, ăn mặn… Đáng lo ngại, tình trạng nữ giới sử dụng bia rượu cũng đang có dấu hiệu tặng.

Lối sống này dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu…Tốc độ già hoá dân số của Việt Nam cũng đang tăng nhanh, từ năm 2012, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già khi người từ 60 tuổi trở lên chiếm hơn 10%. Gánh nặng bệnh tật, tử vong ở người cao tuổi cũng chủ yếu là do các bệnh không lây nhiễm.

Do đó, ngày 2/9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu chung là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2030, Chương trình Sức khỏe Việt Nam tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm, cụ thể như sau:

Nhóm 1, nâng cao sức khỏe: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực;

Nhóm 2, bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh: chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh, phòng chống tác hại thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm;

Nhóm 3, chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật: phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiêm, chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe người lao động./.

VA