Là một trong 14 xã thuộc khu vực III của huyện Hướng Hóa, xã Thanh hiện có 863 hộ với 4.246 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm 97% sinh sống phân bổ ở 6 thôn bản. Trong những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với các chương trình dự án, kết quả bước đầu thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã làm thay đổi đời sống và cảnh quan bộ mặt nông thôn xã biên giới này. Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất cho biết: Trong qúa trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, bước đầu tuy gặp không ít khó khăn, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo của huyện và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các phòng ban cấp huyện, xã đã triển khai thực hiện và đem lại những kết quả đáng phấn khởi. Cùng với triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất, xây dựng đường vào khu sản xuất ở các thôn: Thanh Ô, thôn Mới, A Ho, Thanh 1, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ba Viêng, thôn Mới, xã tập trung chỉ đạo các thôn bản triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo để an cư. Theo đó, ngoài nguồn vốn hỗ trợ 40 triệu đồng/ nhà, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, xã còn huy động lực lượng thanh niên, lao động tại địa phương đóng góp ngày công xây dựng để giảm bớt chi phí cho hộ nghèo. Nhờ vậy, đến nay đã hỗ trợ cho 67 hộ nghèo triển khai xây dựng nhà ở, trong đó có 40 ngôi nhà đã hoàn thiện
Gia đình anh Hồ Văn Thông ở thôn A Ho, thuộc hộ nghèo của xã, hai vợ chồng và 2 đứa con sống trong ngôi nhà sàn tạm bợ xiêu vẹo. Nay được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, gia đình anh đang hoàn thiện ngôi nhà sàn kiên cố trị giá trên 100 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, anh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo lãi suất ưu đãi 40 triệu đồng, còn lại 25 triệu đồng là bà con họ hàng cho mượn. “Trước đây, gia đình tôi sống trong ngôi nhà sàn tạm bợ, nay nhờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ và cho vay ưu đãi để tôi làm được ngôi nhà sàn kiên cố, khang trang, vợ chồng tôi rất mừng và tích cực trồng sắn, trồng chuối, chăn nuôi bò, dê, lợn, gà để thoát khỏi cái nghèo”, anh Thông nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, với một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách toàn diện. Chương trình mang tính chất tổng thể, dài hạn 10 năm và là một chương trình mới, đặc thù dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chính vì thế thời gian qua, huyện Hướng Hóa đã tập trung tổ chức chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện và đã giải ngân hơn 114 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 73,79% so với kế hoạch. Trong đó, vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là hơn 54 tỉ, đạt 88,87% so với kế hoạch; vốn phân bổ năm 2023 là 60 tỉ, đạt tỉ lệ 64,07% so với kế hoạch.
Theo đó, 101 hộ ở các xã Tân Lập, Tân Thành, Thuận, Hướng Lộc, Lìa, Hướng Phùng, thị trấn Lao Bảo được hỗ trợ đất ở, với số tiền hơn 4 tỉ đồng; 473 hộ ở 19 xã, thị trấn được hỗ trợ nhà ở với số tiền gần 19 tỉ đồng; 435 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề với số tiền 4,3 tỉ đồng; hỗ trợ đất sản xuất, với số tiền 595 triệu đồng; đầu tư xây dựng 11 công trình, phòng công vụ giáo viên, phòng học, phòng ở cho học sinh bán trú tại trường học các xã Hướng Sơn, Hướng Lộc, Hướng Linh, Ba Tầng, Hướng Lập; hỗ trợ 1,6 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và hỗ trợ công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Nhờ các nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 mà hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống đồng bào DTTS ở Hướng Hóa có những chuyển biến tích cực. Bà con dân bản tiếp tục đẩy mạnh trồng, chăm bón các cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sắn, chuối… gắn với các nhà máy chế biến; mở rộng diện tích lúa nước, chăn nuôi bò, dê; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên năng suất, chất lượng từng bước tăng lên.
Kết cấu hạ tầng được tăng cường, các công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học… được đầu tư sửa chữa, xây mới phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ dân sinh làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên bàn huyện
Lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả khích lệ, tỉ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 22,01%, giảm 4,44% so với năm 2022, văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và tiếp tục phát huy…
Thực tiễn qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc ở Hướng Hóa. Thời gian đến, huyện Hướng Hóa triển khai đồng bộ các khâu từ công tác tổ chức chỉ đạo; truyền thông, tuyên truyền, vận động đến công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đánh giá nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có điều kiện lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng làng bản ngày một đổi thay. Nguyễn Đình Phục