Chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số: Rà soát vướng mắc từ khu vực miền Trung -Tây Nguyên 

(Chinhphu.vn) - Để Chương trình vào đi cuộc sống và thật sự có hiệu quả, hệ thống các chính sách, quy định, hướng dẫn thực hiện phải đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm. Bên cạnh đó, cần bổ sung các chính sách phù hợp, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về đất đai, vốn tín dụng ưu đãi, thuế, đầu tư… để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số: Rà soát vướng mắc từ khu vực miền Trung -Tây Nguyên - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Ngày 30/6, tại Khánh Hòa, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực miền Trung -Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023-2025.

Hệ thống các chính sách, quy định, hướng dẫn phải đồng bộ, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 985 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (chiếm 28,68% xã được phân định của cả nước) trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, tính đến 31/5/2023, kết quả thực hiện giải ngân Chương trình trong khu vực đạt hơn 1.397 tỷ đồng, đạt 10,62%.

Mặc dù Chương trình mới được đưa vào tổ chức thực tiễn tại địa phương từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, mà một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 17 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên bình quân đạt 3,81% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao), trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên - Huế (11,04%), Quảng Nam (7%), Khánh Hòa (6%), Quảng Ngãi (5,37%), Đăk Nông (5%)...

Ngoài ra, còn có tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỉ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỉ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng…

Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên sẽ vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.

Bên cạnh nhóm các chỉ tiêu đã hoàn thành sớm, còn có nhóm các chỉ tiêu đã đạt tỉ lệ hoàn thành cao, dự báo sẽ sớm về đích mục tiêu kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao như: Tỉ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỉ lệ trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố…

Tại Hội nghị, các ý kiến đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình. Theo đại diện tỉnh Quảng Trị, để thực hiện thành công một Chương trình MTQG lớn, có nhiều thay đổi trong chủ trương, chính sách, việc phối hợp giữa các bộ, ngành chuẩn bị kỹ cơ chế, chính sách và truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ ở địa phương nắm rõ ý nghĩa, cách thức thực hiện đóng vai trò quyết định.

Trong bối cảnh cán bộ, cộng đồng tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có năng lực còn tương đối hạn chế, quá trình phân cấp, phân quyền và phát huy sự tham gia của người dân cần được thực hiện trên cơ sở đội ngũ cán bộ ở địa phương và cộng đồng nắm chắc được mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình cũng như cách thức, cơ chế thực hiện các nội dung cụ thể.

Do đó, địa phương đề nghị Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, chuẩn bị năng lực cho đội ngũ thực hiện, đặc biệt cán bộ ở địa phương trước khi thực hiện Chương trình. Trong đó, ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình hoặc hướng dẫn một số nội dung mới là cần thiết.

Từ quá trình thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Ban Dân tộc Khánh Hoà cũng cho biết, trình độ nhận thức và năng lực của không ít cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn hạn chế, vì vậy việc nhận thức đúng, đầy đủ các chính sách, các văn bản pháp luật quy định để tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện Chương trình là vấn đề không đơn giản đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Trong khi đó, các văn bản pháp luật triển khai thực hiện Chương trình lại quá nhiều, quá dài, chưa thống nhất, khó hiểu… gây lúng túng, khó khăn, nhận thức sai trong thực hiện.

Do đó, việc ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình cần phải thực hiện kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm. Đồng thời cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở phải nhiệt huyết, trách nhiệm, năng động, am hiểu tường tận các chính sách, pháp luật để tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện Chương trình.

Cần chính sách thỏa đáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư

Một trong những vướng mắc nữa được nêu ra tại Hội nghị đó là hiện nay đa số hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thiếu tư liệu sản xuất, nhất là về đất sản xuất. Theo Chương trình thì đối với các địa phương không có đất sản xuất để giao cho hộ nghèo thì người dân được Nhà nước hỗ trợ 22,5 triệu đồng và được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 77,5 triệu đồng để mua đất sản xuất, với số tiền 100 triệu đồng thì ở tỉnh Khánh Hòa tùy theo từng vùng chỉ mua được tối đa từ 1.000–2.000m2 đất sản xuất, không đủ 50% hạn mức đất sản xuất tại địa phương, với diện tích đất như vậy thì không đủ để xóa nghèo.

Trường hợp không có đất để giao hoặc mua thì vận động người dân chuyển đổi nghề, học nghề, tuy nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhất là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thì dân cư ít, sinh sống thưa thớt, địa hình đồi núi, kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đi lại khó khăn… thì việc lựa chọn nghề để học, để chuyển đổi và có việc làm sau học nghề là rất khó khăn.

Chính vì vậy, cần bổ sung các chính sách phù hợp, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về đất đai, vốn tín dụng ưu đãi, thuế, điều kiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư… để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo việc làm, sinh kế cho người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, việc phê duyệt và triển khai Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một quyết sách quan trọng, lần đầu tiên có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cũng gặp không ít những thách thức, đặc biệt là khó khăn về cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện, giải ngân của Chương trình.

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định tổ chức các hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình ở 3 khu vực và hội nghị toàn quốc để kịp thời phối hợp với các địa phương xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc, đồng thời rà soát, đánh giá tổng thể đối với các mục tiêu, chỉ tiêu được giao, làm cơ sở cho việc tham mưu điều chỉnh nội dung, nguồn lực, địa bàn và xác định các giải pháp đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu toàn quốc của chương trình đã được phê duyệt.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mang tính nền tảng, đặc thù để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 tại các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đúng tiến độ và đạt hiệu quả. Các cơ quan chủ quản các dự án, tiểu dự án và nội dung chương trình đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phân công phân nhiệm rõ ràng, tăng cường nắm bắt tình hình triển khai thực hiện của các địa phương để đề xuất, tham mưu hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương,

Hoàng Giang

100 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 678
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 678
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78048305