Hiện nay, Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Trị đã công bố danh sách chính thức 85 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo 16 đơn vị bầu cử để bầu 50 đại biểu. Ủy ban bầu cử cấp huyện công bố danh sách chính thức 483 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở 74 đơn vị bầu cử để bầu 292 đại biểu. Ủy ban bầu cử cấp xã công bố danh sách chính thức 4.836 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở 834 đơn vị bầu cử để bầu 2.884 đại biểu. Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ đạo Ủy ban bầu cử tỉnh công bố danh sách chính thức 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở 02 đơn vị bầu cử để bầu 06 đại biểu. Lịch tiếp xúc cử tri của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại đơn vị bầu cử sẽ được thực hiện trong thời gian từ 05/5 đến ngày 18/5/2021 với 71 điểm, trong đó, ứng cử viên đại biểu Quốc hội 15 điểm, ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh 56 điểm. Tại cấp huyện và cấp xã, các ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã đang tiến hành tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử và đảm bảo kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Việc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri trực tiếp để báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề cử tri quan tâm- đây là một trong những nội dung góp phần quan trọng vào kết quả bầu cử của các ứng cử viên.
Để cử tri tin tưởng, bỏ phiếu cho mình, giao trọng trách là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, thay mặt Nhân dân tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, mỗi ứng cử viên cần phải xây dựng cho mình Chương trình hành động thực sự vì dân, sát với trách nhiệm của người đại biểu dân cử, phù hợp với mỗi địa phương nơi mình sẽ ứng cử, phù hợp với từng đối tượng cử tri mà mình tiếp xúc để vận động tranh cử và phải thể hiện được nguyện vọng, khẳng định quyết tâm trở thành người đại biểu dân cử, mong muốn góp sức xây dựng địa phương phát triển. Chương trình hành động chính là lời cam kết của ứng cử viên với cử tri, vì vậy nên cam kết những gì thiết thực, có đủ điều kiện thực thi đem lại hiệu quả; không nên cam kết mà không làm, không nên cam kết những việc thiếu khả năng thực hiện.
Chương trình hành động là yếu tố cơ bản, then chốt để cử tri đánh giá trình độ và năng lực của người ứng cử. Do đó, chương trình hành động cần rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề mà cử tri nơi đó đang quan tâm, đồng thời xây dựng phương hướng chương trình hành động một cách cụ thể hóa, thiết thực thể hiện khả năng hành động của bản thân. Muốn vậy, ứng cử viên phải nắm bắt được thực trạng tình hình ở địa phương, tìm hiểu kỹ về tình hình kinh tế-xã hội, đặc điểm địa lý, dân cư, dân tộc, tôn giáo... , những băn khoăn, trăn trở, bức xúc của Nhân dân, những vấn đề bất cập hoặc chưa phù hợp trong thực hiện một số cơ chế, chính sách để xây dựng chương trình hành động sát với thực tế, phù hợp với chức trách nhiệm vụ được giao, đảm bảo các cam kết trong Chương trình hành động được hiện thực hóa, tạo niềm tin trong Nhân dân.
Cử tri sẽ quan tâm đến hoạt động của người đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực tối cao ở các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Do vậy, trong chương trình hành động của mình, ứng cử viên cần nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn khi được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo những quy định của pháp luật; trên cương vị công tác và trách nhiệm của đại biểu cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; vai trò, trách nhiệm xử lý, giải quyết những vấn đề xảy ra ở địa phương, những vấn đề cử tri quan tâm và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân.
Tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử là một dịp để dân chúng “kiểm tra, giám sát” xem đại biểu đó có thực sự đại diện cho cho ý chí, nguyện vọng của dân không, có thực sự trở thành tiếng nói của dân không? Để thực hiện được trọng trách này, giữa ứng cử viên và Nhân dân phải tìm được tiếng nói chung, sự đồng cảm lắng nghe và thấu hiểu. Vì vậy, Chương trình hành động cần phải tỏ rõ năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, xác định được nhiệm vụ phải luôn gần dân, hiểu dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân; luôn giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng học tập, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó.
Thường xuyên lắng nghe, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; tiếp thu, phản ánh trung thực với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương để giải quyết và đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri theo trách nhiệm giám sát của người đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Đặc biệt trong tình hình hiện nay và thực tiễn tại địa phương Quảng Trị, các ứng cử viên cần nắm bắt và cam kết trong chương trình hành động các vấn đề cần đề xuất, đóng góp với Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, quan tâm giải quyết chế độ chính sách dành cho người có công, đặc biệt là những hồ sơ tồn đọng; về bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống Nhân dân trong bối cảnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp; về phát triển nông nghiệp, nông thôn; thu hút đầu tư phát triển kinh tế; giải quyết việc làm cho người dân; quan tâm hỗ trợ Quảng Trị sớm triển khai các dự án trọng điểm, các dự án có tính đột phá, tạo điều kiện giúp địa phương phát triển.
Tin tưởng rằng, với những chương trình hành động vì dân, những ứng cử viên sáng giá khi được cử tri tín nhiệm bầu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ là những đại biểu có trách nhiệm vì dân, dám nghĩ, dám làm, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã cam kết với cử tri, thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân./. Thủy Phương