Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã được tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, vấn đề còn lại là phải khẩn trương xây dựng, rà soát, bổ sung, ban hành chương trình, kế hoạch hành động của tập thể cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện, nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Bởi vì, chỉ khi cấp ủy các cấp xây dựng được chương trình hành động sát đúng tinh thần nghị quyết, phù hợp với điều kiện thực tế, nguồn lực của địa phương, cơ quan, đơn vị thì nghị quyết của Đảng mới thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội.
Những năm qua, việc học tập, quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh đã được đổi mới về hình thức, nội dung và phương pháp, nhờ đó ý thức, trách nhiệm của cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong việc học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng được nâng lên; sau khi được học tập, quán triệt, cán bộ, đảng viên đều thực hiện viết thu hoạch; các cấp ủy đã tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để tổ chức thực hiện, đây là việc làm thường xuyên để cụ thể hóa nghị quyết của Đảng mà các cấp ủy, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện.
Theo Đề án và Kết luận 176-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phê duyệt Đề án“Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị; nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong cán bộ, đảng viên”, những năm qua về cơ bản, việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh đã bám sát những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nêu trong các nghị quyết; gắn với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp được hoàn thành sau khi học tập, quán triệt, đa số cấp ủy đã bổ sung khá đầy đủ các nội dung trong Nghị quyết của Đại hội cấp trên vào chương trình hành động của cấp mình. Điển hình như Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình thực hiện, một số chỉ tiêu được đưa ra trong Chương trình hành động cao hơn trong Nghị quyết để phấn đấu thực hiện với quyết tâm “Chương trình 1, hành động 10, thực hiện 100”. Chương trình hành động của một số cấp ủy cấp huyện cơ bản đã bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, nhiều cấp ủy đã xác định được việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình kiểm tra giám sát toàn khóa, hàng năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của một số cấp ủy trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số mặt hạn chế như:
Thứ nhất: Việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn chưa kịp thời; nội dung còn chung chung; tình trạng sao chép, chỉnh sửa, mô phỏng chương trình hành động giữa các cấp ủy với nhau và với cấp ủy cấp trên vẫn còn xảy ra, do vậy đối với một số cấp ủy, chương trình hành động thực chất chỉ mang tính thủ tục để báo cáo với cấp ủy cấp trên và khi có đoàn kiểm tra, giám sát, chứ thực tế chưa sát thực, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, do đó Chương trình hành động chưa thực sự trở thành công cụ, căn cứ để triển khai thực hiện nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Thứ hai: Việc thảo luận, lấy ý kiến góp ý vào chương trình, kế hoạch hành động còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao; một số cán bộ chủ chốt giao cho các cơ quan tham mưu góp ý nên chưa có nhiều ý kiến thật sự tâm huyết, chưa phát huy được trí tuệ tập thể để tham mưu xây dựng Chương trình hành động của tập thể cấp ủy.
Thứ ba: Đối với một số cấp ủy cấp cơ sở, việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết thường giao cho ban tuyên giáo hoặc cán bộ phụ trách công tác đảng mà chưa có sự phối hợp, phân công theo đặc thù nội dung của từng nghị quyết; do đó nội dung chương trình hành động, kế hoạch thực hiện chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cấp ủy, cơ quan, đơn vị; mục tiêu, chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch chưa rõ ràng, chưa xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm, chưa xác định được thời gian, tiến độ thực hiện để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá dẫn đến thiếu tính khả thi.
Để nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới, đòi hỏi cấp ủy các cấp phải thực hiện nghiêm túc một số giải pháp sau:
Một là: Ngay sau Hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng, rà soát, bổ sung, sửa đổi chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết, có sự thống nhất với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp trên và của cấp mình, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ. Trong đó, các mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra phải có tính khả thi, tính chiến đấu cao, thể hiện ý chí, quyết tâm khát vọng vươn lên của mỗi cấp, ngành, mỗi tập thể, cá nhân và có giải pháp thực hiện đảm bảo khả thi, hiệu quả.
Hai là: Trước khi ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết nhất thiết phải tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, trước hết ở trong tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy; tăng cường mở rộng lấy ý kiến góp ý trong cán bộ, đảng viên; đồng thời báo cáo xin ý kiến góp ý, tham gia của cấp ủy cấp trên. Cán bộ chủ chốt phải trực tiếp tham gia góp ý xây dựng Chương trình hành động, không giao phó cho bộ phận tham mưu. Khi ban hành phải được quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là các đối tượng trực tiếp triển khai thực hiện. Việc quán triệt chương trình hành động phải do Bí thư cấp ủy trực tiếp thực hiện.
Ba là: Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh chung chung. Tập thể cấp ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy viên theo lĩnh vực công tác. Gắn trách nhiệm cá nhân cấp ủy viên phụ trách đơn vị, lĩnh vực trong suốt quá trình triển khai thực hiện.
Bốn là: Thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm: Định kỳ 6 tháng, một năm, các cấp ủy tổ chức rà soát, đánh giá, kiểm điểm, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện nghị quyết theo chương trình hành động của cấp ủy đã đề ra. Đánh giá ưu điểm, hạn chế trong quá trình triển khai; xác định đúng nguyên nhân thành công, chưa thành công ở từng khâu; làm rõ phạm vi trách nhiệm của các cấp, ngành, cá nhân, tổ chức, đánh giá hiệu quả của nghị quyết. Qua đó, kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình mới, cách làm sáng tạo, biểu dương gương người tốt, việc tốt; phát hiện những nội dung cần được bổ sung, góp phần tổng kết thực tiễn, lý giải những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra.
Có thể nói, chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy là sản phẩm sau khi được tiếp thu nghị quyết của Đảng, chất lượng của chương trình hành động phản ánh tư duy, nhận thức của cấp ủy về nghị quyết đó. Ngày 30/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận 176-KL/TU về phê duyệt Đề án“Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị; nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong cán bộ, đảng viên” nhằm chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng, trong đó có đưa ra những giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Đây là cơ sở để cấp ủy các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng thực chất hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu được nêu trong Nghị quyết của Đảng, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Châu Minh