Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: VA
Ngày 11/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Mở đầu, ông Nguyễn Đức Cường, Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT giới thiệu Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Cần có tư duy bứt phá ngay trong Luật
Ngay tiếp theo góp ý vào Dự thảo, chuyên gia Nguyễn Vi Khải - nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, với 10 Chương 121 điều, Luật Giáo dục (sửa đổi) khá dài, khá toàn diện, chi tiết. Tuy nhiên, đặt vấn đề trong hoàn cảnh nhiều thách thức và cơ hội như hiện nay – không ít ý kiến băn khoăn luật này đã tương xứng với tầm của vấn đề chưa?
“Đây được xem là luật rất quan trọng tạo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững đất nước. Hiện nước ta đang đứng trước thực tế: Tham nhũng ngày càng tinh vi, bộ máy cồng kềnh, đạo đức xã hội nổi cộm nhiều bức xúc.. Phải chăng, cần có tư duy bứt phá vượt lên ngay trong luật này”- chuyên gia Nguyễn Vi Khải nêu quan điểm.
Đồng tình cần có kỳ thi THPT
Cho ý kiến về vấn đề thi tốt nghiệp THPT, PGS Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông bày tỏ sự đồng tình: “Sau nhiều năm lúng túng về khái niệm, cách nhìn nhận về bằng cấp và nhất là cách tổ chức các kỳ thi, lần này Ban soạn thảo khẳng định: Thứ nhất, cần có kỳ thi THPT, thứ hai là sẽ cấp bằng tốt nghiệp. Tấm bằng đó vừa có ý nghĩa tinh thần đối với học sinh coi như đánh dấu kết thúc một giai đoạn học trò để bước vào đời, vừa có giá trị để dùng trong cuộc sống, trong đó có cả việc đăng ký thi hoặc tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, dạy nghề”.
Ngoài ra, PGS Bùi Thiện Dụ góp ý, trong chương về nhà giáo không nên liệt kê hàng loạt nhiệm vụ của nhà giáo vì như vậy vừa thừa, vừa thiếu. Vì làm sao kể ra hết được những việc phải làm, mà chỉ nêu tóm gọn 4 nhiệm vụ, các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
PGS Bùi Thiện Dụ dẫn chứng: Ví dụ như không được “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”, thiếu ở chỗ là phải của mọi người. Thừa ở chỗ là điều này đã được nêu cụ thể hơn chi tiết hơn ở luật Dân sự. Do đó, nên chỉ nêu vấn đề gì đặc thù của giáo dục như: Xử lý điểm, ép học thêm để thu tiền, còn các vấn đề còn lại thì tuân theo các luật khác liên quan.
Nên bỏ bao cấp hoàn toàn THPT, giáo dục nghề nghiệp và đại học
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện trưởng Viện Đào tạo - Nghiên cứu về Tổ chức và Hành chính đồng tình chương trình giáo dục phổ thông phải “thống nhất trong cả nước” để đảm bảo chuẩn đầu ra và không làm khó dễ cho học sinh khi có hoàn cảnh gia đình phải chuyển trường, chuyển chỗ ở qua các huyện, tỉnh và vùng khác. Riêng đối với các môn Toán, Lý, Hóa (khoa học tự nhiên) chỉ nên có một sách giáo khoa, còn phần học liệu mới để cho các địa phương và nhà trường tự tổ chức biên soạn. Chỉ có thế thì mới tiết kiệm và sử dụng thống nhất, lâu dài, kế thừa được.
“Trong điều kiện phát triển kinh tế của nước ta còn nghèo, sách dành cho giáo dục có hạn. Vì vậy, theo tôi đối với mẫu giáo, tiểu học và phổ thông cơ sở chỉ có trường công lập để đảm bảo bình đẳng và đào tạo nhân cách làm cho trẻ nhận thức được sự tốt đẹp của xã hội, không gieo vào nhận thức của trẻ nhỏ sự phân biệt giàu nghèo, bất bình đẳng”- PGS.TS Nguyễn Hữu Tri dẫn giải.
Còn đối với THPT, giáo dục nghề nghiệp và đại học, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nên bỏ bao cấp hoàn toàn. Chỉ giữ lại mỗi địa phương một vài trường THPT công lập là trường đào tạo tài năng. Các trường nghề nghiệp và đại học nên triệt để thực hiện xã hội hóa, còn các chính sách ưu tiên và chế độ do cơ quan quản lý nhà nước ở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ở địa phương thực hiện chế độ chi trả trực tiếp cho đối tượng. Tiêu chuẩn chế độ của người đi học không chuyển trực tiếp vào các cơ sở đào tạo mà chuyển trả cho cơ quan, địa phương để ai đi học ở đâu thì mang tiền nộp vào cơ sở đào tạo đó./.
Mỹ Anh