Đó là chủ đề của chương trình tọa đàm do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) phối hợp với Trường trung cấp Công nghệ Thăng Long tổ chức ngày 17/5.
Mô hình 9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp THCS và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình là tại Nhật Bản với mô hình đào tạo KOSEN.
|
Các đại biểu chia sẻ về chương trình 9+ |
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, các em được định hướng vào 4 luồng chính gồm: Học tiếp lên THPT; học lên trung cấp; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống. Phần lớn ở các tỉnh, thành đều có học sinh học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%…, chọn luồng giáo dục nghề nghiệp chỉ là giải pháp của rất ít học sinh.
Vụ phó Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH) Đỗ Văn Giang cho biết: Thực tế mô hình 9+ đã từng triển khai từ những năm 1980 với tên gọi trung học nghề, nhưng sau đó lắng xuống. Khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình 9+ đang tái khởi động lại nhằm định hướng phân luồng ngay từ Trung học cơ sở (THCS). Hiện, một số mô hình triển khai trong thời gian qua đã thành công và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) có những điều khoản tác động đến công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Trong đó, mở đường cho học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn.
Đối với học sinh, việc lựa chọn mô hình 9+ là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Thay vì mất thêm 3 năm theo học PTTH, ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh học hệ trung cấp, cao đẳng và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này.
Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang có chính sách khuyến khích các trường mở hệ trung cấp, cao đẳng 9+. Đây là mô hình tốt, hiệu quả và đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng cách đây vài thế kỷ.
Các chuyên gia cũng cho rằng: Để chương trình này triển khai hiệu quả, Nhà nước cần có những chính sách thuế, chính sách tài chính hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo và cho học sinh. Ví dụ như cho các cơ sở đào tạo, học sinh vay tiền lãi suất bằng “0”; miễn thuế thu nhập cá nhân cho các giảng viên;…
Hiện nay các doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển các em có năng lực nghề nghiệp (bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ) hơn là các em chỉ có kiến thức chung chung từ các trường đại học.
|
Toàn cảnh tọa đàm |
Theo các chuyên gia, để giới trẻ lập nghiệp sớm thành công, điều quan trọng là phải lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của bản thân cũng như nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung trong tương lai. Nhà trường và cha mẹ học sinh cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các em lựa chọn, định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Chủ tịch Hội đồng Trường trung cấp công nghệ Thăng Long Lê Đình Trung cho biết: Năm nay, nhà trường mở mô hình 9+ chuyên ngữ theo xu hướng phụ huynh, học sinh đang rất quan tâm đến ngoại ngữ gắn với nghề. Theo đó, học sinh học 7 môn văn hóa bắt buộc để có thể thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia; đồng thời học sinh sẽ lựa chọn 5 nghề: Tin học ứng dụng; kế toán doanh nghiệp; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; chăm sóc sức đẹp và việc học ngoại ngữ sẽ xoay quanh chuyên ngành này.
Đây là mô hình đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động sau dịch COVID-19, gắn học nghề với ngoại ngữ trong quá trình hội nhập quốc tế. Hiện nay, các trường trung cấp, cao đẳng đang tích cực tuyển sinh, trong đó hướng đến các học sinh trung học cơ sở với học sinh có định hướng nghề nghiệp…/.
Mai Chi