Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 

(ĐCSVN) - Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn và lâu dài. Hàng triệu người Việt Nam vẫn đang phải sống trong nỗi đau của bệnh tật do hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Đáng sợ hơn, ảnh hưởng của chất da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ, và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4.

Năm 2021, tròn 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021). Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).

 Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

Phóng viên (PV): Thưa Thượng tướng, năm nay tròn 60 năm kể từ ngày Mỹ bắt đầu sử dụng chất độc dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam, xin ông cho biết hậu quả nặng nề của thảm họa này? Hiện tại những khu vực nào là “điểm nóng” còn tồn dư nhiều chất độc da cam?

Thượng tướng Nguyễn Văn RinhCuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả nặng nề nhất. 

Từ năm 1961 đến năm 1971 quân đội Mỹ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học xuống ¼ diện tích miền Nam Việt Nam, trong đó có 61% là chất độc da cam chứa 366 kg dioxin, là loại chất độc mạnh nhất mà con người biết được cho đến nay, làm cho hơn 3 triệu ha rừng bị tàn phá; gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước, đất canh tác; làm tuyệt chủng nhiều loại động vật; làm 4,8 triệu người dân bị phơi nhiễm chất độc trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Chất độc hoá học đã cướp đi chức năng làm vợ, làm mẹ của hàng trăm ngàn phụ nữ; nhiều người đã bị mất con ngay khi đứa trẻ lọt lòng; hàng trăm ngàn trẻ em đã bị chết, hoặc khi sinh ra bị dị dạng, dị tật, mắc các căn bệnh hiểm nghèo, sống đời sống thực vật… Bệnh tật do chất độc da cam gây ra đã di truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4 và còn kéo dài. 

Sau khi chiến tranh kết thúc, với những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh của toàn Đảng, toàn dân ta, đến nay về cơ bản chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh không còn tồn lưu ở các vùng đất canh tác và trong các nguồn nước, nhưng vẫn tồn tại ở một số nơi trước đây bị quân đội Mỹ dùng làm kho chứa, nơi trút bỏ hoặc xục rửa các thiết bị phun rải chất độc hoá học…Theo khảo sát của Công ty Hatfield của Canada, còn 28 “điểm nóng” có độ tồn lưu cao chất độc hoá học của quân đội Mỹ, trong đó có 4 điểm cần ưu tiên xử lý là sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa (Đồng Nai), Phù Cát (Bình Định) và A So (Thừa Thiên-Huế). Vừa qua, chúng ta đã hoàn thành việc tẩy rửa dioxin ở sân bay Đà Nẵng.

PV: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Thượng tướng đánh giá như thế nào về việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân?

 Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Hơn nửa thể kỷ qua, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam; không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường “thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, song Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với nạn nhân, đã ban hành nhiều chính sách cũng như huy động mọi nguồn lực xã hội để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam.

Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.

Hiện toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Hằng năm, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã vận động, huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp nạn nhân chất độc da cam làm nhà, sửa chữa nhà, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, tặng quà nhân dịp lễ tết, Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7), Ngày Vì Nạn nhân chất độc da cam (10/8) hằng năm..., cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội...

Riêng Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, kể từ khi thành lập (tháng 1-2004) đến nay, số tiền vận động Quỹ nạn nhân chất độc da cam đạt hơn 2.660 tỷ đồng.

Cả nước hiện có 12 làng Hòa Bình, làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Hội NNCĐDC/dioxin các cấp trong cả nước có 26 trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, dạy nghề, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú các nạn nhân chất độc da cam.

Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đã và đang hoạt động tích cực nhằm giảm tỉ lệ sinh con dị tật. Một số địa phương đã tiến hành điều tra tổn thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho nạn nhân chất độc da cam.

Hiện nay, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đang phối hợp với Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Tư lệnh Hóa học xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam.

 Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin học văn hóa tại một cơ sở nuôi dưỡng ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (2015). Ảnh: TTXVN

PV: Thưa Thượng tướng, nhiều năm qua, chúng ta đã tiến hành cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Xin Thượng tướng chia sẻ về cuộc đấu tranh đòi công lý này?

Trước hết cần nói rõ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam là đấu tranh về đạo lý và pháp lý, yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất của Mỹ phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do họ gây ra ở Việt Nam, phải có hình thức bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. 

Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta không bao giờ quên những người đã tận tụy đồng hành cùng nhân dân Việt Nam, cùng VAVA trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đó là các bạn trong “Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm đồi với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” (VAORRC) của Mỹ đã bỏ công việc của mình hàng tháng trời để phối hợp, hỗ trợ các đoàn nạn nhân chất độc da cam từ Việt Nam sang vận động, đấu tranh ở Mỹ. Đó là ông Len Aldis đã một mình đứng bán hàng dưới trời lạnh giá bên dòng sông Thêm ở Luân Đôn để lấy tiền ủng hộ cuộc đấu tranh của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và đã sang Việt Nam hàng chục lần bằng tiền riêng của mình để vận động, đấu tranh ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đó là bà Masako Sakata, đạo diễn, nhà làm phim Nhật Bản đã dành 18 tháng sang Việt Nam học tiếng Việt để có thể tiếp xúc với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam làm 2 bộ phim tài liệu lên án hành động tội ác của chính quyền và các công ty hóa chất Mỹ…

Đến nay, có thể nói, cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được tiến hành bằng nhiều hình thức đã đạt được những kết quả quan trọng. Trước hết nó đã góp phần thúc đẩy cuộc đối thoại giữa Mỹ và Việt Nam nhằm mục tiêu giải quyết cơ bản hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phù hợp với mong muốn cải thiện quan hệ hai nước. Cuộc đối thoại đó đã đạt được những kết quả cụ thể như: Từ năm 2007, Quốc hội Mỹ đã chính thức phê duyệt cho Chính phủ Mỹ một khoản ngân sách hằng năm để tham gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ đã sử dụng các khoản ngân sách được phê duyệt để thực hiện chương trình tẩy độc môi trường ở các “điểm nóng” tại Việt Nam: Năm 2018, đã hoàn thành tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng và chuyển sang thực hiện chương trình tẩy độc ở sân bay Biên Hòa. Chính phủ Mỹ cũng đã thực hiện chương trình hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí là 21 triệu USD và đang xúc tiến thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí 65 triệu USD ở một số tỉnh bị phun rải nặng chất độc hoá học trong chiến tranh. Phía Mỹ (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) đang tăng cường phối với VAVA để thực hiện chương trình này.

PV: Trong thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin sẽ tiếp tục triển khai những công việc gì để kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm tới việc đòi công lý cho nạn nhân chất độc da camViệt Nam?

Cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam trong tình hình hiện nay nằm trong xu hướng phát triển của quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Mỹ và phù hợp với xu hướng đó.

Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bạn bè, nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về hậu quả nặng nề và còn kéo dài mà chất độc hoá học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh gây ra đối với môi trường và con người Việt Nam để có thêm tiếng nói và hành động đòi Chính quyền Mỹ phải tăng cường phối hợp với Chính phủ, nhân dân Việt Nam, với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khắc phục các hậu quả đó.

Hội tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh của các cựu chiến binh Mỹ, Hàn Quốc… đòi Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường đầy đủ thiệt hại mà chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam gây ra cho họ và con, cháu họ. 

Hội cũng tiếp tục ủng hộ các vụ kiện của những người bị nhiễm chất độc hoá học do trước đây đã sinh sống, làm việc trong các vùng bị phun rải chất độc hoá học ở miền Nam Việt Nam, đồng thời Hội tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị vụ kiện của Hội khi có đủ điều kiện.

PVXin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

 
Tú Giang (thực hiện)
297 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 764
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 764
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78244572