Chung tay giải quyết sức khỏe nước và sức khỏe cộng đồng 

(ĐCSVN) – Theo các đại biểu, cần tăng cường hợp tác giữa các thành viên của Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam và các đối tác với sự tham gia của người dân chung tay giải quyết vấn đề sức khỏe nước và sức khỏe cộng đồng, đẩy mạnh truyền thông, tạo sự thay đổi về nhận thức và tăng cường tiếp cận nước sạch cho người dân vùng nông thôn nghèo, vùng núi…

 

Ngày 12/2, tại Hà Nội, Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) và Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm những hoạt động liên quan đến nước và sức khỏe trong năm 2019 và định hướng 2020.

Chia sẻ về những kết quả trong năm 2019, bà Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm thông tin các tổ chức phi chính phủ, thành viên của  Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam (VIWHA) cho biết: Được thành lập vào ngày 18/9/2018 với 5 thành viên nòng cốt, đến nay VIWHA đã triển khai nhiều hoạt động như: tăng cường tiếp cận nước sạch cho cộng đồng và trường học; truyền thông thay đổi hành vi cộng động; các hoạt động vận động chính sách và chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường năng lực cho các thành viên VIWHA. Trong đó, có thể kể đến sáng kiến “Nước uống học đường” tại 3 trường học thuộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị; xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho các trường trên địa bàn xã Yến Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa; chương trình truyền thông “Hành trình Đại sứ Nước”; và tổ chức một số tọa đàm về tài nguyên nước và sự cố ô nhiễm nguồn nước…

Bà Đỗ Thị Vân chia sẻ về những hoạt động của Liên minh trong năm 2019. (Ảnh: TH )

Thông qua những hoạt động trên đã góp phần đưa tiếng nói của người dân, cộng đồng đóng góp vào việc xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên nước, tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Trong năm 2020, Liên minh đề ra kế hoạch phát triển từ 15-20 thành viên; tiếp tục chương trình nước uống học đường; đẩy mạnh công tác truyền thông; rà soát và kiến nghị chính sách về nước sạch; thúc đẩy hợp tác và chương trình tài trợ…

Tại hội thảo, các ý kiến chỉ ra bên cạnh những thuận lợi như liên minh đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển và một số thành viên khác , vấn đề nước và sức khỏe đang được người dân, các tổ chức địa phương quan tâm… thì hoạt động cũng gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, chất lượng nước hiện nay có dấu hiệu ô nhiễm, mức độ ô nhiễm có chiều hướng gia tăng; vẫn còn không ít  khu công công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung;  khung pháp lý về kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước còn yếu; chưa đảm bảo được các thông tin môi trường được công khai và dễ dàng tiếp cận; năng lực, cơ sở vật chất, kinh phí còn hạn chế, khả năng huy động nguồn lực trong nước còn yếu…

Mặt khác, tiếng nói của người dân, của các tổ chức dân sự chưa được chính quyền địa phương thực sự quan tâm và giải quyết. Sự chia sẻ thông tin giữa các tổ chức địa phương hạn chế, chưa thể tận dụng hết thế mạnh trong kết nối nguồn lực cũng như sáng kiến địa phương để giải quyết các vấn đề về nước…

 Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất những giải pháp tăng cường hợp tác giữa các thành viên của Liên minh và các đối tác với sự tham gia của người dân chung tay giải quyết vấn đề sức khỏe nước và sức khỏe cộng đồng, huy động nguồn lực để triển khai các dự án bảo vệ nguồn nước hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông, tạo sự thay đổi về nhận thức và  tăng cường tiếp cận nước sạch cho người dân vùng nông thôn nghèo, vùng núi; tạo điều kiện cho địa phương triển khai sáng kiến để chủ động tham gia giải quyết vấn đề nước sạch và sức khỏe một cách thiết thực và bền vững tại cộng đồng…/.

 
Vy Thảo
235 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 787
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 788
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87022111