Bạo lực giới gây thiệt hại kinh tế 1,81% GDP
Bạo lực trên cơ sở giới là những hành vi cố ý gây tổn hại, đe dọa gây tổn hại, hay khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần với người khác dựa trên quan niệm, định kiến về giới. Bạo lực có thể xảy ra trong mối quan hệ tình yêu, mối quan hệ vợ chồng trong gia đình và nạn nhân thường là người nữ.
Các nhóm bạo lực trên cơ sở giới, gồm: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế (tịch thu tiền, của cải khiến nạn nhân khi cần phải cầu xin; kiểm soát mọi tài sản, tiền bạc, thu nhập nhằm tạo ra sự phụ thuộc; buộc đóng góp tài chính vượt quá khả năng; có hành vi trái pháp luật buộc nạn nhân phải rời bỏ nhà;…).
Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy 62,9% đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn là vấn đề bị giấu kín trong xã hội Việt Nam vì hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ các dịch vụ công và một nửa trong số họ chưa bao giờ nói với ai khác về điều đó. Điều tra trên cũng chỉ rõ thiệt hại kinh tế do bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình là 100.507 tỷ đồng, tương đương 1,81% GDP năm 2018.
|
Chuyên gia thuộc Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thông tin cho báo chí về tình hình bạo lực giới. Ảnh: An Luých |
Theo bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, bạo lực trên cơ sở giới thường xuất phát từ bất bình đẳng giới, định kiến giới, không công bằng về về vai trò và quyền của phụ nữ và nam giới. Bạo lực giới là một biểu hiện của bất bình đẳng giới đã “ăn sâu bám rễ” tại Việt Nam.
Việc chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới là một thách thức lớn tại Việt Nam, bởi tư tưởng trọng nam, khinh nữ; tâm lý thích con trai hơn con gái; bất bình đẳng giới vẫn đang ăn sâu trong tư tưởng nhiều người. Tư tưởng này cũng là căn nguyên dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh tại nước ta, thể hiện qua các năm 1999, 2009, 2019. Theo đó, tỷ lệ trẻ em nam trên 100 trẻ em nữ lần lượt là 107, 110,5 và 111,5. Tỷ số giới tính khi sinh ở nông thôn tăng nhanh hơn thành thị gây nên nhiều lo ngại bởi khoảng 2/3 dân số nước ta sống ở nông thôn.
Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhận định, thực trạng trên cho thấy giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh còn khó khăn hơn cả giảm sinh. Đây cũng là thách thức to lớn trong việc đưa tỉ số giới tính xuống “dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra còn sống” vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết 21 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về Công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.
Kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực
Theo các chuyên gia, để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới mà chủ yếu là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, các văn bản pháp luật, đặc biệt là vai trò của truyền thông cần làm thay đổi được những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, trong công việc và ngoài xã hội. Phụ nữ cũng cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; chủ động chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại hơn là lựa chọn cách im lặng.
Bên cạnh những giải pháp trên, xây dựng mô hình cụ thể về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng là việc làm cần thiết. Mô hình này đã ra đời tại Quảng Ninh vào tháng 4/2020 với tên gọi “Ngôi nhà Ánh Dương” (thuộc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội).
Qua đường dây nóng 18001769, Ngôi nhà Ánh Dương tiếp nhận thông tin và kết nối trợ giúp khẩn cấp, cung cấp các dịch vụ xã hội (trong đó có việc làm), giúp người bị bạo lực hòa nhập cộng đồng. Cơ sở này cũng chủ động phòng ngừa bạo lực giới qua tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong phát hiện, tố giác, lên án các hành vi bạo lực.
|
Phòng tạm lánh dành cho nạn nhân bạo lực giới tại Ngôi nhà Ánh Dương (Quảng Ninh).
Ảnh: An Luých |
Với phương châm hỗ trợ “Một điểm - Một đầu mối”, cán bộ Ngôi nhà Ánh Dương sẽ tư vấn, trợ giúp hoặc chủ động kết nối với các ngành chức năng để hỗ trợ nạn nhân về y tế, an ninh, pháp luật,.. Nhưng trước hết, sẽ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực. Sau đó, nạn nhân được tư vấn, theo dõi sức khỏe. Trường hợp cần thiết, nạn nhân sẽ được bố trí phòng ở tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương nhằm đảm bảo an toàn trong khi chờ các bước xử lý tiếp theo.
Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, Ngôi nhà Ánh Dương là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng mô hình phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” giai đoạn 2017 – 2021 vì mục tiêu “Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái”.
Mô hình này đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nhà tạm lánh, bảo vệ từ công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp và chuyển tuyến cho nhiều nạn nhân của bạo lực giới, không chỉ ở tỉnh Quảng Ninh mà còn tại 20 tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Các đường dây nóng hoạt động miễn phí 24/7, trong hơn 2 năm qua đã tiếp nhận hơn 15.300 cuộc gọi trợ giúp. Phần lớn nạn nhân của bạo lực gọi đến là phụ nữ (chiếm 93,6%) và hầu hết nạn nhân của bạo lực giới đều ở độ tuổi 16- 59. Tỷ lệ trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi từng gọi đến đường dây nóng chiếm 10%. Tại Quảng Ninh, từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2021, Ngôi nhà Ánh Dương đã tiếp nhận gần 11.600 cuộc gọi qua đường dây nóng. Trong đó tư vấn, cung cấp thông tin và kết nối trợ giúp cho gần 300 trường hợp liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Tiếp nhận và trợ giúp khẩn cấp cho 21 người trong đó có 13 trường hợp bị bạo lực giới được ở tạm lánh an toàn.
Nhấn mạnh mục tiêu “Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái” là một trong ba trụ cột chính trong Kế hoạch Chiến lược mới của UNFPA giai đoạn 2022-2025 và là ưu tiên trong Chương trình quốc gia mới của UNFPA Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026, bà Naomi Kitahara khẳng định, UNFPA sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực giới và các hành vi có hại tại Việt Nam./.