Những ghi nhận bước đầu
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (Ban) cho biết, có thể nói mô hình đã bước đầu thành công vì những nhiệm vụ trước mắt mà UBND Thành phố giao cho Ban đã hoàn thành. “Bước đầu người dân Thành phố đã an tâm hơn. Mặc dù chưa giải quyết được hết những hệ lụy của thời gian trước, song ít ra chúng ta cũng đã có hướng đi và bắt tay vào công việc với sự quyết liệt hơn”, bà Lan nhấn mạnh.
Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan.
Bà Lan cho rằng, việc thành lập mô hình này đã tạo ra sự thống nhất một đầu mối thực hiện các thủ tục hành chính trong công tác quản lý an toàn thực phẩm mà trước đây được phân cấp từ một số sở. Chính mô hình này đã tạo nên sự thuận lợi, nhất quán từ khâu cấp phép, quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cũng như giám sát mối nguy, chất lượng thực phẩm.
Thành công trong năm qua đối với việc triển khai thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm của Thành phố chính là đã hình thành mạng lưới đội ngũ đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận, huyện, các chợ đầu mối, góp phần nắm bắt địa bàn nhanh chóng, quản lý sát và kịp thời, công tác phối hợp với các địa phương diễn ra hiệu quả hơn rất nhiều. Sức mạnh của Ban được nhân lên rất nhiều so với trước đây hoạt động ở từng chi cục nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, cũng theo bà Lan, trong năm qua, công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm luôn được quan tâm hàng đầu, đặc biệt là trong hệ thống các cơ sở giáo dục và trường học, các khu chế xuất và công nghiệp. Từ năm 2017 tới nay, trên địa bàn Thành phố không xảy ra vụ ngộ độc có quy mô trên 30 người.
Một trong những kết quả nổi bật khác là sự phát triển “chuỗi thực phẩm an toàn” góp phần tìm đầu ra cho thực phẩm sạch, an toàn. Đến nay, Ban Quản lý Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 174 giấy chứng nhận cho 79 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh với tổng sản lượng khoảng 91.306 tấn/năm.
Cần điều chỉnh quy định pháp luật để xử lý nghiêm vi phạm
Trong triển khai chương trình hành động, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, mục tiêu là xây dựng thực phẩm sạch và chống thực phẩm bẩn. Xây dựng thực phẩm sạch, chúng ta có những bước đi rất dài về phát triển chuỗi thực phẩm an toàn và mô hình kinh doanh hiện đại, lập lại trật tự trong kiểm nghiệm, phối hợp với các ngành, các cấp, đặc biệt là doanh nghiệp để xây dựng thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, đối với chống thực phẩm bẩn, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện nay, việc xử lý vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là những quy định về pháp luật. “Các quy định về xử lý thực phẩm không an toàn, thực phẩm bẩn vẫn còn lỏng lẻo, chồng chéo, chưa nghiêm và rất khó xử lý các đối tượng vi phạm”, bà Lan nhấn mạnh.
Người dân cần ủng hộ thực phẩm sạch, an toàn và tẩy chay thực phẩm bẩn.
Bà Lan cho rằng, chúng ta phải nghiêm khắc hơn nữa đối với tội phạm về an toàn thực phẩm và những đối tượng vi phạm này cần bị xử lý nghiêm khắc.
Vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y vẫn còn rất phức tạp và bất cập. Việc kiểm soát không để phụ gia công nghiệp trà trộn với phụ gia thực phẩm vẫn chưa có quy định phù hợp. Bà Lan đưa ra dẫn chứng, hiện nay, trong luật hình sự của chúng ta chỉ quy định xử lý những trường hợp mà thực phẩm bị trộn lẫn, sử dụng hóa chất ngoài danh mục; hoặc trường hợp thịt, thực phẩm được chế biến từ thịt bị bệnh dịch, đã có yêu cầu tiêu hủy mà vẫn sử dụng… “Tôi xin đặt câu hỏi, nếu hóa chất đó nằm trong danh mục mà sử dụng sai mục đích thì sao? Nó vẫn gây hại như thường sao không xử lý hình sự? Nếu thịt quá thời hạn sử dụng, chưa chứng minh được nguồn gốc dịch bệnh, không lẽ chúng ta chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính?”, bà Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta còn đang gặp những bất cập trong xử lý vi phạm với các mặt hàng nông sản tươi sống: đòi hỏi kết quả kiểm nghiệm, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy khi sản phẩm không đạt mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ hàng bỏ trốn. “Quy trình xử lý phức tạp không theo kịp thực tế, gây mất sức cho đội ngũ quản lý và tạo tâm lý cầu an, né tránh”, bà Lan cho biết.
Bà Lan đề nghị trong thời gian tới phải thực hiện song song 2 việc, vừa triển khai một cách quyết liệt những quy định đã có trong pháp luật, đồng thời tiếp tục sửa đổi pháp luật, để tội vi phạm an toàn thực phẩm được nhìn nhận, đánh giá một cách quyết liệt hơn, được xử lý tới tận cùng. “Ban sẽ phối hợp cùng sở, ngành, quận, huyện tập hợp tham mưu cho UBND Thành phố có văn bản kiến nghị các Bộ, ngành về các quy định chồng chéo, bất cập”, bà Lan khẳng định.
Trong năm 2018, bà Lan cho biết, Ban sẽ tiến hành theo chiều sâu, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, phải kiên quyết, quyết liệt hơn nữa mới có thể tiến hành được cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.
“Chúng ta muốn an toàn thì phải ủng hộ thực phẩm an toàn, ủng hộ những thực phẩm được cơ quan quản lý nhà nước làm những động thái về thử nghiệm và bảo đảm cho sự an toàn đó. Chứ nếu chúng ta muốn thực phẩm an toàn nhưng vẫn ủng hộ hàng trôi nổi, hàng kém phẩm chất thì nhiệm vụ đó là bất khả thi”, bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan cũng chia sẻ thêm, trong thời gian qua, Thành phố đã xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó có những thông tin được phát hiện từ người dân. Trong thời gian tới, Thành phố mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân để dần loại bỏ hoàn toàn thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, hướng tới sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.
Trong năm qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với 967 cơ sở, phát hiện 174 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 18%); ban hành 119 quyết định xử phạt với số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng; đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến là trên 803 triệu đồng (chưa kể số lượng kiểm tra liên ngành của quận, huyện). Ngoài ra, các đội Quản lý an toàn thực phẩm đã phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật. |
Bải, ảnh: Vương Lê