Với sự chủ động vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh này đã có những bước khởi sắc rất rõ nét.
Anh Hồ Văn Vưng ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tâm sự: “Nhà mình bây giờ đã có 10ha rừng trồng 4 năm tuổi, 8 con bò, 15 con dê và gần 2ha sắn, lúa nước. Căn nhà mới xây này cũng do vợ chồng mình tích cóp được trong mấy năm vừa qua”.
Đây là thành quả lao động rất đáng khích lệ của đôi vợ chồng trẻ ở địa phương còn nhiều khó khăn như Hướng Hiệp. Theo anh Vưng, để có được “kỳ tích” này, không thể không nói đến công lao của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ gia đình anh trong công tác định hướng trồng cây gì, nuôi con gì.
Đặc biệt, sự kịp thời của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất thấp nên rất thuận tiện cho việc đầu tư mua cây giống, con giống để phát triển kinh tế ngay trên chính vùng đất vốn còn nhiều khó khăn này.
Điều đáng mừng, không riêng gì hộ anh Vưng ở huyện miền núi Đakrông, mà trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đã có rất nhiều hộ gia đình nhờ được tiếp cận vốn vay, được hướng dẫn đầu tư, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, nên thời gian qua, họ đã mang lại nguồn lợi kinh tế rất cao cho gia đình mình.
|
Cuộc sống của người dân Đakrông ngày càng no đủ nhờ được vay vốn chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế. |
Theo thống kê, từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã giúp gần 20 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho trên 6,8 nghìn lao động, gần 21 nghìn lượt học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn học tập; xây dựng gần 46 nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và hơn 5 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách… Gói vốn vay tín dụng chính sách cũng đã được giải ngân để cho các hộ gia đình sử dụng xây nhà ở, phủ kính và tạo cảnh quan khang trang ở các tuyến phố của các khu đô thị mới TP Đông Hà, như Nam Đông Hà, Bắc sông Hiếu...
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị bộc bạch, Chỉ thị 40 do Ban Bí thư TW Đảng ban hành đã trực tiếp góp phần nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu chính quyền các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách tại các cơ sở. Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp qua đó đã thực hiện tốt nội dung uỷ thác, thường xuyên củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn do cộng đồng dân cư thành lập, phối hợp lồng ghép chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân biết cách sản xuất.
Nhờ vậy, chương trình đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội để tham gia vào sự nghiệp giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thanh Bình