Ảnh minh họa. ( Nguồn:giadinh.net.vn)
Tối ngày 14/9 ở thành phố Thái Nguyên xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, khiến một người chết và hai người bị thương. Thông tin ban đầu cho biết, thủ phạm là Bùi Xuân Hồng, 63 tuổi, nguyên phó giám đốc một công ty. Từ năm 2016 đến nay, gia đình bà Bùi Thị H vay của ông Hồng khoản tiền hơn 3 tỷ đồng. Do mâu thuẫn về khoản vay này nên Hồng đã lấy dao thủ sẵn trong người ra đâm trọng thương vợ chồng bà H và con rể bà H. Ba nạn nhân được cấp cứu, nhưng bà H đã tử vong. Bà H chính là em ruột của hung thủ.
Trước đó, ngày 1/9, ở Hà Nội đã xảy ra vụ án Nguyễn Văn Đông, 53 tuổi, ở Đan Phương, đâm chết bốn người trong gia đình em trai. Chỉ vì bất đồng về 0,5 m đất ranh giới đất giữa hai gia đình, Đông đã vác dao sang nhà ông H là em trai đâm chém dã man khiến vợ chồng ông H, con gái và cháu gái ông H thiệt mạng, con dâu ông H phải điều trị tại bệnh viện.
Hai vụ án trên gây nhức nhối dư luận, “kịch bản” của nó cũng tương tự như nhưng những vụ án gây thương vong do tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình đã từng xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây là những triệu chứng, biểu hiện đáng buồn về những chuẩn mực ứng xử, văn hóa, đạo đức trong gia đình xuống cấp trầm trọng.
Xưa nay, người Việt vốn rất coi trọng tình gia đình, thân tộc, với những lời răn truyền từ đời này sang đời khác là “Yêu nhau như thể tay chân/ Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy”, “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Máu chảy ruột mềm”, “Anh em chín bỏ làm mười”, “Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”… Những đạo lý đó như mạch ngầm chảy mãi, tạo thành những nếp nhà, những lối sống thuần hậu, ấm áp tình người.
Người xưa cũng lưu ý “Phú quý sinh lễ nghĩa/ Bần tiện thân thích ly”, là giàu có thì vui vẻ, sinh ra nhiều lễ nghĩa, nhưng nghèo khó thì anh em ruột thịt cũng chia lìa, như một lời cảnh báo thói xấu cần phải tránh trong cư xử với người ruột thịt.
Trở lại hai vụ án đau lòng trên đây, rõ ràng họ đều không phải những người vì lâm vào cảnh nghèo khó mà làm làm càn, mà quên tình máu mủ. Cả hai đều vì quyền lợi mà xảy ra mâu thuẫn, chỉ vì tài sản mà sẵn sàng tước đoạt mạng sống của những người ruột thịt, bất chấp pháp luật, bất chấp chuẩn mực đạo đức tối thiểu.
“Gia đình là tế bào của xã hội”, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, chống lại các thói xấu, tệ nạn xã hội, nên hơn lúc nào hết, “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cần được thực hiện một cách tích cực và hiệu quả. Từng gia đình êm ấm, đoàn kết sẽ là những nhân tố tạo nên một xã hội tốt đẹp.
Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường kiểm tra việc thi hành luật pháp nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các gia đình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là bạo lực gia đình. Giáo dục, cung cấp kiến thức về kỹ năng sống như kỹ năng làm cha, mẹ, nâng cao chất lượng mối quan hệ và truyền thông giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng để ngăn ngừa các mâu thuẫn; xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em; trách nhiệm của nam giới đối với công việc trong gia đình, bảo đảm quyền của phụ nữ; trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ; tiếp thu các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Gìn giữ chuẩn mực ứng xử trong gia đình là điều thân thuộc như khí trời, nhưng trước những đổi thay của xã hội, nếu không chú trọng chăm lo, vun đắp thì rất có thể sẽ còn những chuyện đau lòng./.
Thái Vũ