Chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho 50% lực lượng lao động 

(ĐCSVN) - Chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động; Phấn đấu 80% lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, năng lực cơ bản… là một trong những mục tiêu trọng tâm của dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lấy ý kiến.

 

Nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng nghề lực lượng lao động thuộc nhóm 80 quốc gia đứng đầu

Theo dự thảo, mục tiêu của Đề án là chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động giúp hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng lực lượng lao động Việt Nam, bắt kịp các nước ASEAN - 4 và tiếp cận các nước phát triển.

 Thí sinh tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 (Ảnh: QT) 

Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030, sẽ chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động. Trong đó, trên 30% lao động đạt trình độ cao có bậc trình độ kỹ năng nghề quốc gia 4, 5 hoặc trình độ tương ứng, trong đó ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề thuộc công nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao; người lao động thuộc các ngành nghề kinh tế trọng điểm, ưu tiên, chương trình phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khoảng 70% lao động đạt các bậc trình độ còn lại, trong đó ưu tiên lao động là thanh niên từ 15 đến 30 tuổi; lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, lao động yếu thế.

Đề án cũng đảm bảo cơ hội tiếp cận về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, học tập suốt đời cho trên 70% lực lượng lao động. Xây dựng mới và cập nhật khoảng 500 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, 500 bộ ngân hàng câu hỏi kiến thức, bài thi thực hành tương ứng từng nghề để phát triển chuẩn đầu ra theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Phát triển hệ thống gồm 200 tổ chức đánh giá kỹ năng nghề, trong đó 60% tổ chức thuộc doanh nghiệp; 40% tổ chức đánh giá kỹ năng nghề thực hiện được hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo hình thức trực tuyến.

Đầu tư và phát triển 3 tổ chức đánh giá kỹ năng nghề trọng điểm cấp quốc gia và 10 tổ chức đánh giá kỹ năng nghề trọng điểm cấp vùng; 01 trung tâm quốc gia, 03 trung tâm vùng dự báo kỹ năng tương lai đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng lao động thời kỳ mới…

Mục tiêu khác là nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đảm bảo trên 90% lao động được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và tham gia hiệu quả thị trường lao động quốc tế.

Nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng nghề lực lượng lao động thuộc nhóm 80 quốc gia đứng đầu.

Phấn đấu 80% lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, năng lực cơ bản; tiến tới phổ cập kỹ năng, năng lực cơ bản cho người lao động….

8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong thời kỳ mới. Bao gồm nhóm thể chế, chính sách chung và nhóm chính sách ưu tiên,hỗ trợ đối với người lao động, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề và doanh nghiệp.

Thứ hai, tổ chức thông tin, tuyên truyền, tôn vinh về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

Thứ ba, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chuẩn hóa và phát triển kỹ năng lao động

Thứ tư, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và nâng cao năng lực hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Thứ năm, thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề các cấp.

Thứ sáu, phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, chuyên gia trình độ kỹ năng nghề cao.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học về phát triển kỹ năng lao động Việt Nam và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động.

Thứ tám, tăng cường kiểm tra, đánh giá, tổng kết kết quả nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam./.

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý II năm 2022, lực lượng lao động nước ta khoảng 51,6 triệu người. Trung bình hằng năm có thêm khoảng 1 triệu người tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm khoảng 26,1% trong tổng số lực lượng lao động, còn lại phần lớn (khoảng 74%) chưa được công nhận trình độ kỹ năng nghề. Ngoài ra, có khoảng 65 ngàn lượt người lao động đã được đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở các bậc trình độ từ bậc 1 đến bậc 3.
 
 
Minh Thư
142 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 702
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 702
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77116139