Chuẩn hóa chế độ báo cáo, chuyển từ giấy sang điện tử 

(Chinhphu.vn) - Nhiều bộ, cơ quan đã tích cực rà soát, chuẩn hóa một bước các chế độ báo cáo, triển khai báo cáo điện tử góp phần chuyển đổi phương thức điều hành từ truyền thống, dựa trên báo cáo giấy sang điều hành hiện đại, dựa trên dữ liệu số. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 5/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm việc với các bộ, ngành, cơ quan về triển khai kết nối, tích hợp báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg và thông tin báo cáo hằng ngày phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bãi bỏ nhiều báo cáo không cần thiết, rườm rà

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, ngay đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 quy định chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có nhiệm vụ chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Nhờ sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đến nay chúng ta đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, như: 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã rà soát, chuẩn hóa một bước các chế độ báo cáo định kỳ, hầu hết địa phương cũng rà soát, xác định các chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý (nếu có) để thực hiện chuẩn hóa.

Các thông tư, quyết định quy định chế độ báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương đã bãi bỏ nhiều báo cáo không cần thiết, đơn giản hóa nhiều nội dung báo cáo trùng lặp; giảm tần suất báo cáo; mẫu hóa đề cương, biểu số liệu, tạo tiền đề cho việc số hóa, thực hiện báo cáo điện tử. 

Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, cơ quan, đến nay, 20 chế độ báo cáo và 33/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng thuộc phạm vi quản lý của các bộ như: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giao thông vận tải… đã kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, trong đó một số chỉ tiêu đã có dữ liệu thực và bước đầu được tổng hợp, phân tích đưa ra Bảng hiển thị của Hệ thống và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành.

Song song với việc chuẩn hóa, triển khai báo cáo điện tử, một số bộ, địa phương như: UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ KH&ĐT và hôm qua, Bộ TN&MT đã khai trương các Trung tâm điều hành thông minh hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, quản lý, ban hành quyết sách của lãnh đạo các bộ, địa phương.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, cùng đóng góp vào thành tích chung trong xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các kết quả bước đầu nêu trên có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần chuyển đổi phương thức điều hành từ truyền thống, dựa trên báo cáo giấy sang điều hành hiện đại, dựa trên dữ liệu số.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đưa Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia đi vào hoạt động vào giữa tháng 8/2020, đồng thời kết nối dữ liệu từ các Hệ thống thông tin báo cáo, Trung tâm điều hành của bộ, cơ quan, địa phương, vận hành Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì thời gian tới chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

“Từ nay cho đến thời điểm dự kiến khai trương (dự kiến 15/8/2020), thời gian không còn nhiều và phạm vi công việc phải thực hiện cần được xác định rõ ràng, cụ thể để đẩy nhanh tiến độ triển khai, bảo đảm hoàn thành mục tiêu theo yêu cầu”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

 

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) trả lời các vướng mắc của các bộ, cơ quan. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Không chuẩn hóa báo cáo thì không thể thành công

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), Nghị định 09 quy định các bộ, địa phương phải chuẩn hóa chế độ báo cáo của mình và phải xác định rõ mỗi bộ, địa phương có bao nhiêu chế độ báo cáo.

“Ví dụ như Bộ Tài chính hiện nay chốt lại có 301 chế độ báo cáo thì sẽ triển khai phần mềm của các chế độ báo cáo này tới địa phương và địa phương không phải xây dựng phần mềm nữa. Đây là cách tiếp cận mới của Chính phủ để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tập trung. Theo đó, chỉ xây dựng một phần mềm của một bộ trong lĩnh vực quản lý để triển khai số hóa ở địa phương”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, qua rà soát cho thấy Thông tư quy định chế độ báo cáo của một số bộ chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa báo cáo tại Nghị định 09.

Về chuẩn hóa biểu mẫu báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 78 chỉ tiêu các bộ, cơ quan đã triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo/ Hệ thống thông tin chuyên ngành có khả năng tích hợp trực tiếp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, còn lại 122 chỉ tiêu các bộ, cơ quan chưa triển khai điện tử, đề nghị báo cáo trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đối với 78 chỉ tiêu có khả năng tích hợp trực tiếp, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thành tích hợp 33/78 chỉ tiêu, một số chỉ tiêu đã có dữ liệu thực. Văn phòng Chính phủ đang tiếp tục phối hợp cùng các bộ, cơ quan để tích hợp và cung cấp dữ liệu với 45/78 chỉ tiêu còn lại.

Đối với 122 chỉ tiêu đề nghị thực hiện báo cáo trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, một số biểu mẫu báo cáo các bộ, cơ quan xây dựng chưa đáp ứng khả năng điện tử hóa, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản góp ý biểu mẫu gửi 9 bộ, cơ quan và đề nghị các bộ, cơ quan hoàn thiện lại biểu mẫu.

“Trước đây, báo cáo của các bộ, cơ quan chủ yếu là định tính, bằng giấy thì hiện nay phải định lượng, bằng bảng biểu. Nếu không chuẩn hóa báo cáo, biểu mẫu báo cáo thì chúng ta không thể thành công được”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh, đồng thời cho biết, mặc dù Văn phòng Chính phủ đã tổ chức tập huấn và có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc về chuẩn hóa báo cáo, nhưng một số bộ còn chưa chủ động trong chuẩn hóa báo cáo và xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của bộ.

Tại các cuộc họp, đại diện các bộ đã nêu tình hình thực hiện Nghị định 09 của Chính phủ cũng như nhiều khó khăn, vướng mắc bởi như trong 200 chỉ số thì từng chỉ số lại có đặc thù riêng, có chỉ số kèm nhiều chỉ số phụ…

Đại diện Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ thêm phạm vi, nội hàm tích hợp giữa Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Trung tâm chỉ đạo, điều hành của các bộ. Một số ủy ban liên ngành như Ủy ban An toàn giao thông, Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn băn khoăn về tích hợp dữ liệu thông qua phương thức nào, trực tiếp với ủy ban, hay bộ thường trực… Tuy còn nhiều vướng mắc nhưng đại diện các bộ, cơ quan cũng đều thể hiện quyết tâm đạt được mục tiêu đưa Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia đi vào hoạt động vào giữa tháng 8/2020.

 

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Dẫn kinh nghiệm từ Pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, khi đi sang Pháp để học tập kinh nghiệm, các chuyên gia Pháp đã chia sẻ thất bại lớn nhất mà Pháp từng gặp phải đó là không chuẩn hóa báo cáo.

“Chuẩn hóa báo cáo là vấn đề cực kỳ quan trọng. Không chuẩn hóa báo cáo thì làm cũng bằng không, đưa lên hệ thống sẽ không đọc được. Tại Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những dữ liệu quốc gia nằm trong đó và chúng ta phải bảo vệ như một tài nguyên vô cùng giá trị. Tinh thần là số liệu, báo cáo phải chuẩn, dễ đọc, dễ tìm, nhưng không dễ bị mất cắp, phải bảo đảm an toàn thông tin”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng thời, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát chế độ báo cáo hiện hành thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan tại Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chế độ báo cáo và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm tất cả chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan được quy định tại Thông tư, Quyết định và được chuẩn hóa theo Nghị định số 09/2019/NĐ-CP và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Đối với các chỉ tiêu có khả năng kết nối, nhưng chưa tiến hành kết nối, đề nghị các bộ, cơ quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn VNPT tiến hành kết nối.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để xác định, bổ sung các chỉ tiêu cần thiết khác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hằng ngày của Chính phủ là những vấn đề Đảng, Chính phủ, xã hội quan tâm. Đồng thời, thành lập tổ công tác để kiểm tra vấn đề kết nối, tích hợp báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội và thông tin báo cáo hằng ngày phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những gì khó khăn, vướng mắc sẽ cùng nhau tháo gỡ./.

Hoàng Giang

226 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 540
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 540
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88306254