Phóng viên (PV): Việt Nam và thế giới đang phải đón nhận làn sóng tiếp theo của đại dịch COVID-19. Du lịch được đánh giá là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất bởi các tác động tiêu cực tức thì từ các làn sóng này. Xin ông cho biết, thực trạng chung của ngành du lịch Việt Nam từ đầu năm đến nay? Mức độ thiệt hại là thế nào?
Đồng chí Ngô Hoài Chung: Từ tháng 2/2020, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm rất mạnh, khoảng 1,9 triệu lượt vào tháng 1/2020 xuống chỉ còn hơn 400.000 lượt. Trong 7 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đạt 3.686.779 lượt, giảm 62,4% so với 7 tháng đầu năm 2019; khách du lịch nội địa đạt 31 triệu lượt, giảm 40,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 15,9 triệu lượt khách lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch trong 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 207.100 tỷ đồng, giảm 48,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Bắt đầu từ tháng 4/2020, hoạt động du lịch nội địa dần được phục hồi. Tuy nhiên, với du lịch quốc tế vẫn ngừng trệ kể từ tháng 3/2020 đến nay.
Dịch COVID-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng và một số địa phương vào đúng mùa cao điểm đã tác động nghiêm trọng đến sự phục hồi của ngành du lịch. Các doanh nghiệp du lịch chưa kịp hồi phục sau 3 tháng đóng băng lại lâm vào tình cảnh “chồng chất khó khăn”. Đến hết tháng 8/2020, tỷ lệ hủy phòng của các khách sạn vào khoảng 98% - 100% ở hầu hết các địa phương. Trong đó, Hà Nội hủy 32.000 tour, Thành phố Hồ Chí Minh hủy 35.000 tour. Đối với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng có công suất cao như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Ninh Bình..., tỷ lệ khách du lịch hủy phòng đã đặt hơn 80% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh một số khách đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian đi du lịch, nhiều khách hàng khi hủy tour yêu cầu hoàn lại tiền 100%. Việc hoàn trả kinh phí cho khách đặt trước là rất khó khăn do kinh phí này cũng đã được doanh nghiệp lữ hành đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ tại điểm đến. Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp cho biết họ chỉ đang tập trung tối đa để xử lý những yêu cầu về hủy, hoãn tour của khách.
Không chỉ đối mặt với những thiệt hại nặng nề về kinh tế, các doanh nghiệp còn đối mặt với việc giữ nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi bị mất việc làm, nhiều lao động chất lượng cao của ngành du lịch đã đi sang ngành khác. Trong tương lai, dịch bệnh qua đi, rất có thể doanh nghiệp ngành du lịch sẽ đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực. Chúng tác động trực tiếp không chỉ tới khả năng quay lại thị trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cũng như tốc độ hồi phục của điểm đến.
|
Huế - với không gian trình diễn áo dài; sản phẩm du lịch phong phú
luôn thu hút đông đảo du khách tới thăm quan, mua sắm. (Ảnh: Kim Thanh).
|
PV: Các doanh nghiệp ngành du lịch đã ứng phó, xoay sở như thế nào? Dự báo, sức chịu đựng liệu còn đến bao lâu?
Đồng chí Ngô Hoài Chung: Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách xoay sở, thay đổi mô hình hoạt động, sản phẩm, cách thức,.. để “sống chung” với dịch. Các doanh nghiệp xác định, giải pháp tối ưu vẫn là vừa duy trì hoạt động để có doanh thu, vừa có các biện pháp kiểm soát để đảm bảo an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc cho nghỉ việc không lương chờ du lịch hồi phục.
Hiện nay, các doanh nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ (hàng không, nhà hàng, khách sạn,…) đã và đang tích cực phối hợp, chia sẻ khó khăn. Các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều phương thức truyền thông để khách hàng thông cảm, thấu hiểu khó khăn với các doanh nghiệp bằng cách hoãn hoặc bảo lưu các gói du lịch, hoặc chuyển đổi thành hình thức voucher để sử dụng dịch vụ tại các điểm đến an toàn khi hết dịch. Các doanh nghiệp có tiềm lực thì tạo điều kiện hoàn tiền cho các doanh nghiệp khó khăn hơn trong chuỗi cung cấp dịch vụ.
COVID-19 là dịp để các doanh nghiệp thử thách và nhìn lại chính mình. Qua đó, có khả năng đề kháng và thích nghi cao hơn trước những biến động của thiên nhiên và xã hội. Từ đây, sẽ có cái nhìn chính xác hơn về tiềm năng phát triển du lịch nước nhà, chú trọng phát triển du lịch trong nước. Đây được xem là giải pháp phát triển du lịch bền vững với khả năng xoay vòng nguồn tiền trong nước cao.
|
Đồng chí Ngô Hoài Chung. (Ảnh: Thiên kim ). |
PV: Về góc độ quản lý nhà nước, Tổng Cục Du lịch nói riêng, các bộ, ngành nói chung đã làm những gì để giúp sức với các doanh nghiệp trong tình hình chung?
Đồng chí Ngô Hoài Chung: Tổng cục Du lịch đã khẩn trương triển khai nhiều các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đến nay, đã có một số chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong đó, có các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch như: Giảm 50% phí thẩm định giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay; giảm tiền thuê đất….
Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương và doanh nghiệp nhằm tập trung bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch. Ngay sau thời điểm diễn ra Hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và hãng hàng không đã áp dụng triệt để các giải pháp nhằm phục hồi hoạt động du lịch trong nước. Đồng thời, chung tay giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với việc hoãn, hủy tour du lịch với những biện pháp phù hợp như: Chuyển đổi các chương trình du khách đã đặt sang coupon; các tour linh hoạt để khách có điều kiện chuyển đổi chương trình và thời gian phù hợp.
Tổng cục Du lịch đã tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp lữ hành, Hiệp hội du lịch và các địa phương, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch chính sách về thuế, phí, vốn, hỗ trợ người lao động…
PV: Từ nay đến hết năm, nếu dịch vẫn tiếp diễn, liệu có “thuốc đặc trị” cho kinh tế du lịch hay không?
Đồng chí Ngô Hoài Chung: Đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến nhiều doanh nghiệp du lịch đến ngưỡng không thể chống chọi và cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, yrong đó, có một số chính sách có thể thực hiện ngay như giãn thuế, cho vay ưu đãi, cho vay tín chấp, trả tiền điện theo giá sản xuất thay vì dịch vụ, hỗ trợ người lao động…. Ngành du lịch đã và đang nỗ lực vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế do dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 272/TB-VPCP ngày 03/8/2020.
Bên cạnh việc tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch đang phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch nghiên cứu và hoàn thiện Chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 phù hợp với bối cảnh, diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19. Ngành du lịch đã và đang chuẩn bị các giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch, sẵn sàng thu hút và đón khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép.
PV: Liệu có kịch bản xấu nhất cho ngành du lịch?
Đồng chí Ngô Hoài Chung: Hiện nay, tình hình doanh nghiệp du lịch đang rất khó khăn. Doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách. Doanh nghiệp lữ hành thì đến 95% dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động. Các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 10%. Các tỉnh là vùng có dịch như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gần như không có khách, trừ một số khách là chuyên gia và khách cách ly. Các tỉnh là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng như: Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh..., công suất buồng phòng chỉ đạt 3-5%. Các địa phương còn lại công suất đạt 10-20%. Nhìn chung, cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, công suất thấp, nhân viên nghỉ việc, một số ít nhân viên đi làm bảo trì trang thiết bị.
Theo nhận định của các chuyên gia, du lịch chỉ có thể phục hồi sau khi dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được kiểm soát và các hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Vì vậy, hiện chưa thể đưa ra các dự báo chắc chắn về thời điểm có thể phục hồi lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Trong thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh để tham mưu lãnh đạo Bộ, Chính phủ kịp thời xử lý tình hình phát sinh của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền việc phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, ngành du lịch tăng cường tổ chức các hội nghị trực tuyến với các địa phương để nắm bắt tình hình. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nền tảng công nghệ số, công nghệ thực tế ảo, tăng cường tổ chức các hội nghị trực tuyến (webinar) đối với các thị trường du lịch trọng điểm; định hướng cơ cấu lại thị trường và hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông! Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua và kinh tế phục hồi, trong đó có ngành du lịch./.