Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH trả lời về tiếp thu ý kiến liên quan đến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). (Ảnh: MD)
Sáng 2/7, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức họp báo thông tin kết quả thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2019.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Trong đó, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 với nữ là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là lĩnh vực, ngành nghề nào tăng, ngành nghề nào về hưu trước tuổi.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ LĐ-TB&XH sẽ lập danh mục cụ thể các ngành nghề độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm, chuyên ngành. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang xin ý kiến các bộ, ngành về danh mục các công việc nặng nhọc, nguy hiểm; đồng thời tham vấn ý kiến của cơ quan đại diện người sử dụng lao động. Tuy nhiên, danh mục này có thể sẽ ít hơn so với trước đây, bởi nhiều ngành nghề nguy hiểm, độc hại đã được thay bằng máy móc, hơn nữa môi trường làm việc được cải thiện hơn so với trước.
Vấn đề khác được Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trao đổi với các cơ quan báo chí là về việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa IV vừa qua, Chính phủ đã xin rút đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã xin rút lại đề xuất đưa thêm ngày nghỉ vào dự luật. Theo yêu cầu của Quốc hội, khi có đề xuất mới cần có sự trưng cầu ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động đầy đủ. Trong khi đó, thời gian từ nay tới khi tổ chức Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 (tháng 10) không còn nhiều. “Hiện nay, về việc bổ sung thêm một ngày nghỉ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, cần tổ chức thêm nhiều cuộc khảo sát, hội thảo đánh giá tác động thật kỹ lưỡng. Chính vì thế, Ban soạn thảo hiện nay chưa có đề xuất mới nào để thay thế cho đề xuất ngày 27/7”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông báo.
Trao đổi thêm tại họp báo, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc cần phải xem xét thấu đáo, thận trọng, đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức lấy ý kiến người lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, chế xuất về những nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung thỏa thuận làm thêm tối đa và những chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.../.
Kim Thanh