|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 9. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Từ đầu năm nay, khi “cơn bão” mang tên COVID-19 ập đến toàn cầu, trong đó có nước ta thì với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã kịp thời chống chọi thành công với chi phí thấp nhất, hạn chế tối đa thiệt hại. Khi “bão dịch”tạm thời yên ắng thì 1 tháng qua, “khúc ruột” miền Trung lại gánh chịu bão lũ lịch sử, “bão chồng bão, lũ chồng lũ”. Và một lần nữa, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo chống chọi thiên tai với tinh thần “thời chiến”, chạy đua với bão.
Chỉ trong vòng 30 ngày từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10, miền Trung hứng chịu liên tiếp “tổ hợp” thiên tai với 8 loại hình: Bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất với mức độ khốc liệt được ví với trận lũ năm 1999 (khi đó làm 818 người thiệt mạng). Có tới 5 cơn bão và các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 con sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 con sông vượt mức lũ lịch sử. Lượng mưa phổ biến từ 1.000 đến 2.000 mm, nhiều nơi mưa trên 3.000 mm.
Thể hiện bản lĩnh trước các biến cố đến từ thiên tai, lãnh đạo Chính phủ, các cấp, các ngành đã chỉ đạo và tổ chức triển khai rất nhanh, rất trách nhiệm, với sự thấu hiểu, đồng cam cộng khổ với nhân người dân, những người vốn đã vất vả “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Nhiều cuộc họp trực tuyến được gấp rút tổ chức, nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo đã được xây dựng và phát hành “nhanh như gió” qua hệ thống Chính phủ điện tử đến tận cấp cơ sở. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 công điện; Ban Chỉ đạo Trung ương đã có 19 công điện chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống bão lũ.
Còn nhớ, chiều 19/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về tình hình mưa bão và xử lý khắc phục hậu quả mưa bão, quyết định hỗ trợ 5 tỉnh miền Trung mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, 100 tỷ đồng. Cuộc họp kết thúc vào khoảng 16h chiều thì đến 17h, văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng được ban hành, gửi đến các cơ quan chức năng qua hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia để khẩn trương xuất tiền, xuất gạo hỗ trợ dân lúc “nước sôi, lửa bỏng”.
|
Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Doãn Anh (bìa trái) báo cáo tình hình tìm kiếm cứu nạn với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, chiều 13/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngay sau khi nhận thông tin về sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ và công nhân gặp nạn, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cử cán bộ vào tận hiện trường chỉ huy, huy động mọi lực lượng, phương tiện dân sự, quân sự, hàng không để tìm kiếm những người mất tích. Lúc đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang công tác tại Khánh Hòa, nhận được báo cáo của cơ quan tham mưu, đã trực tiếp gọi điện cho đồng chí Man và đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu. Điện thoại không liên lạc được. Các cơ quan tham mưu kiến nghị Phó Thủ tướng nên chờ chuyến bay ra Huế, nhưng Phó Thủ tướng rất sốt ruột, linh cảm có chuyện chẳng lành nên cương quyết yêu cầu đi đường bộ, dù khoảng cách là khoảng 620 km (có thể mất 10 tiếng đồng hồ). Trên đường di chuyển, do nước lũ tiếp tục dâng, Quốc lộ 1 có nhiều đoạn ngập lụt, chia cắt nên đoàn của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phải quay lại, bay vào TP. Hồ Chí Minh để đón chuyến bay sớm nhất ra Huế, vào tận hiện trường để chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm các nạn nhân của vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sau mỗi đợt mưa lũ, Thủ tướng trực tiếp đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt và thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân vùng tâm lũ. Thủ tướng đã đến Nghệ An thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4, nơi có 10 cán bộ, chí sĩ hy sinh ở Rào Trăng 3 vào ngày 16/10; đến thị sát, làm việc với các tỉnh miền Trung tại Quảng Bình (nơi bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai lịch sử) vào ngày 24/10.
Còn với bão số 9 (tên quốc tế là Molave) đi vào Biển Đông sáng 26/10, bão di chuyển nhanh và gia tăng cường độ cấp 14 giật cấp 17 vào chiều và đêm 27/10; đi vào đất liền trưa 28/10 với thời gian lưu bão kéo dài (6 tiếng). Cơn bão này được nhận định mạnh nhất trong 20 gần đây (tương đương cơn bão Xangsane năm 2006). Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo công tác phòng chống rất sớm, ngay từ trước khi bão vào Biển Đông; đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo tại chỗ công tác ứng phó, huy động mọi lực lượng, phương tiện, kể cả các phương tiện hiện đại (máy bay, tàu kiểm ngư, xe lội nước…) ứng phó.
Ngay sáng 26/10, Thủ tướng chủ trì cuộc họp khẩn tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai với sự tham dự của các địa phương miền Trung tại các đầu cầu trực tuyến. Vừa rời cuộc họp khẩn trương (diễn ra trong 30 phút), Thủ tướng tiếp tục đến Tổng cục Khí tượng Thủy văn điều hành cuộc họp trực tuyến với các đơn vị về công tác dự báo, cảnh báo và ứng phó với bão số 9.
Vào thời điểm “cuối bão”, đã xảy ra vụ sạt lở đất tại Nam Trà My, Quảng Nam vào tối 28/10 sau những trận mưa “thối đất, thối cát” mặc dù độ che phủ rừng ở khu vực miền Trung đạt khá cao (55%), đứng thứ 2 trong các vùng sinh thái. Ngay tối hôm đó, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt (ban hành công điện khẩn), đưa lực lượng chức năng vào tận hiện trường cứu hộ, cứu nạn. Vào 22h đêm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp tại TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sáng sớm hôm sau, Phó Thủ tướng đã cấp tốc di chuyển Sở chỉ huy tiền phương đến khu vực sạt lở để trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.
|
Thủ tướng động viên bà con xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Tỉ mỉ lo cho dân từ những điều rất nhỏ như tuyên truyền cho người dân có nhận thức trú bão, không ra đường trong bão, biết tự bảo vệ mình, trong bão không được cho dân ra đường nhưng cả bộ máy vẫn trên đường để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là ưu tiên cao nhất. Trong vòng 2 ngày, đã hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 180.000 lượt phương tiện và hơn 862.000 lao động; bảo vệ an toàn gần 3.000 hồ thuỷ lợi, thuỷ điện và 186.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản; tổ chức sơ tán hơn 210.000 hộ với 755.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Không chỉ ra liên tiếp ra các quyết sách hỗ trợ bổ sung gạo, tiền cho các tỉnh, Thủ tướng còn trực tiếp đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, bởi “trăm nghe không bằng một thấy”, để kiểm tra “hàng hóa, gạo đã đến tay người dân thực sự không”, để xem việc triển khai quyết sách giúp người dân không còn cảnh “màn trời chiếu đất” như thế nào, Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ đã vào bệnh viện thăm các nạn nhân vụ sạt lở đất ở Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam đang điều trị. Tại đây, xúc động trước hoàn cảnh cháu Đinh Hoàng Thái, 7 tuổi, bản thân bị thương nặng do sạt lở đất, còn bố mẹ và 2 thành viên gia đình thiệt mạng, Thủ tướng đề nghị, “gửi gắm” Quân khu 5 nuôi dưỡng cháu đến khi trưởng thành.
Trước bão lũ hung hãn, cả bộ máy đã vào guồng hết tốc lực, thần tốc, thần tốc hơn nữa. “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh”, đó là câu nói của Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man nói với Thủ trưởng và các đồng đội của mình trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn những người mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3. “Bộ đội Cụ Hồ” là như vậy. Họ không phải “ông bụt, cô tiên”, mà thầm lặng cống hiến, đối mặt với hy sinh, gian khổ. Họ phải tranh thủ từng ngày, từng giờ để cứu người gặp nạn, tìm kiếm người mất tích. Họ giúp dân dựng lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Họ đi đến các trường học, giúp thầy cô giáo dọn bùn đất, để cho học sinh có thể trở lại trường sớm nhất. Những nơi xa xôi và nguy hiểm không ai đến được, nơi đó có mặt những anh bộ đội, dân quân. Họ cắt rừng đến điểm sạt lở để tìm người mất tích ở Trà Leng, Phước Sơn (Quảng Nam).
Cũng trong cảnh hoạn nạn, từng giây, từng phút, nhân dân cả nước đều hướng về miền Trung ruột thịt với nhiều phong trào ủng hộ thiết thực, hiệu quả (như gói bánh chưng, hỗ trợ hàng hóa, lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết khác). Nhiều tổ chức, cá nhân đã chủ động quyên góp và trực tiếp đến tận nơi đồng bào bị ngập lụt để hỗ trợ, sẻ chia. Chưa bao giờ, qua một buổi tối (của Chương trình vì người nghèo, tối 17/10, do Mặt trận Tổ quốc tổ chức), số tiền quyên góp lên tới 2.400 tỷ đồng.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trường THCS thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Nói chuyện với các giáo viên và các cán bộ, chiến sĩ giúp trường khắc phục thiệt hại
. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tuy nhiên, trước thiên tai lịch sử, mất mát đối với đồng bào miền Trung dù đã giảm nhưng vẫn còn lớn với những con số đau lòng: 235 người chết và mất tích (riêng bão số 9 là 80 người). Hơn 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái (riêng bão số 9 là trên 177.000 ngôi nhà). Về giao thông, hơn 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở, gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng (chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển và bị hư hỏng, sạt lở).
Khó khăn phía trước còn rất lớn. Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể liệt kê ra hết những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng có thể khẳng định, chưa bao giờ Chính phủ ứng phó với dịch bệnh, thiên tai kịp thời, hiệu quả và chủ động như bây giờ.
Hy vọng rằng với truyền thống kiên cường, bền bỉ, cùng với sự chia sẻ của cả nước, người dân miền Trung sẽ từng bước khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống và mảnh đất miền Trung sẽ lại sớm hồi sinh... Với nhân dân hai miền Nam-Bắc, “để thể hiện tình cảm yêu quý, tình tương thân tương ái với nhân dân miền Trung, chúng ta phải tăng sức sản xuất, phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để bù đắp sự tổn thất, mất mất của nhân dân miền Trung”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Đức Tuân