Chú trọng phát triển thị trường chứng khoán theo hướng bền vững 

(ĐCSVN) - Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam liên tiếp ghi nhận nhiều thời khắc lịch sử. Kết thúc năm 2021, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, TTCK Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, tạo thách thức cho nhà đầu tư; làm sao để phát triển TTCK theo hướng bền vững đang là vấn đề được đặt ra.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: mof) 

Thị trường liên tục biến động

Trong những ngày đầu năm 2022, TTCK Việt Nam tiếp tục có những diễn biến tích cực và đạt mức đỉnh lịch sử mới 1.528,57 điểm vào ngày 06/1/2022. Sau khi đạt mức đỉnh lịch sử, thị trường bước vào giai đoạn diễn biến giằng co và có sự bứt phá mạnh trở lại vào đầu tháng 4 lên mức tiệm cận đỉnh lịch sử 1.524,7 điểm vào ngày 04/4/2022. Thanh khoản thị trường cổ phiếu trong giai đoạn này tiếp tục tăng trưởng khá với giá trị giao dịch bình quân đạt 31.174 tỷ đồng/phiên (tính từ đầu năm đến ngày 04/4/2022), tăng 17,2% so với bình quân năm 2021.

Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường đã trải qua nhịp điều chỉnh giảm mạnh kể từ đầu tháng 4 đến ngày 15/6/2022, với 27/49 phiên giảm điểm, trong đó có 5 phiên giảm điểm mạnh nhất với mức giảm trên 4% (ngày 25/4 giảm 4,95%, ngày 9/5 giảm 4,49%, ngày 12/5 giảm 4,82%, ngày 13/5 giảm 4,53%, ngày 13/6 giảm 4,44%). Tuy TTCK Việt Nam đã có phiên hồi phục trở lại trong 2 tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6 nhưng tính đến ngày 15/6, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.213,93 điểm, đã mất 310,77 điểm, tương đương giảm 20,38% so với mức đỉnh được thiết lập ngày 04/4/2022 và giảm 19% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.339 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% so với cuối năm 2021, tương đương 75,5% GDP.

Thanh khoản thị trường có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, giá trị giao dịch bình quân tháng 4 đạt 26.299 tỷ đồng/phiên, giảm 15,6% so với bình quân Quý I/2022. Sang tháng 5, thanh khoản chỉ đạt bình quân 17.773 tỷ đồng/phiên, giảm 32% so với bình quân tháng 4. Bước sang tháng 6, thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục; tính đến ngày 15/6/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 19.563 tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước.

Trong khi thị trường có nhiều biến động, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng mua ròng trở lại trong những tháng gần đây; từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.193 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và bán ròng 2.751 tỷ đồng trái phiếu.

Ảnh hưởng từ tình hình trong nước và quốc tế

Diễn biến biến động của TTCK Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong và ngoài nước. Trên thế giới, tình hình kinh tế - chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động đến TTCK. Căng thẳng Nga – Ukraine, chính sách phong toả nghiêm ngặt nhằm đối phó với COVID-19 của Trung Quốc, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế; kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại (IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 chỉ đạt 3,6%, WB dự báo ở mức 2,9%).

Trong khi đó, giá cả lương thực, năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào và lợi nhuận của các doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát lên các nền kinh tế. Theo đó, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã có các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát. Từ đầu năm 2022 đến nay, FED đã 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, với lần gần nhất tăng 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Động thái này làm tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá, trực tiếp ảnh hưởng tới TTCK.

TTCK trên thế giới cũng biến động phức tạp. Tính đến ngày 15/6/2022, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI giảm 20,17% so với cuối năm 2021. Tại châu Âu, Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,50%, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 15,7% và chỉ số DAX của Đức giảm 15,11% so với cuối năm 2021. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 255 của Nhật Bản giảm 8,56%, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 17,81%, chỉ số Shang Hai của Trung Quốc giảm 9,19%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 8,93% so với cuối năm 2021. Chỉ số S&P500 của Mỹ cũng giảm 20,48% so với cuối năm ngoái, xuống 3,789.99 điểm vào ngày 15/6; chỉ số Dow Jones giảm 15,6% xuống còn 30.668,27 điểm.

Trong nước, trong bối cảnh căng thẳng quốc tế và áp lực lạm phát gia tăng, nhà đầu tư chuyển sang tâm lý thận trọng hơn trong đầu tư, sẵn sàng tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường. Trước áp lực lạm phát gia tăng, nhà đầu tư cũng lo ngại lãi suất khó có thể duy trì ở mức thấp như hiện nay. Tuy Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đang giữ nguyên mức lãi suất điều hành nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã gia tăng trong thời gian qua, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, việc kiểm soát các hoạt động đầu cơ trên TTCK, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ tuy sẽ giúp thị trường phát triển theo hướng ổn định, lành mạnh, bền vững hơn, nhưng cũng tác động đến dòng tiền vào thị trường trái phiếu, TTCK trong ngắn hạn.

Như vậy, TTCK Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn về kinh tế - chính trị thế giới và đồng pha với diễn biến trên TTCK thế giới. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi một số yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế được mở cửa trở lại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Trong Quý I/2022, 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM đã thực hiện báo cáo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong Quý I/2022 cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ 2021.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua, đến nay đạt gần 5,7 triệu tài khoản và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý so với các thị trường trong khu vực.

Các giải pháp điều hành thị trường trong thời gian tới

Với những thay đổi toàn diện về mặt chính sách, kĩ thuật... các chuyên gia cho rằng TTCK Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Trao đổi tại Tọa đàm Đầu tư Tài Chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 29/06/2022, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán cho biết, năm 2022 có nhiều diễn biến phức tạp và không thuận lợi như năm 2021 - một năm bùng nổ của thị trường chứng khoán.

Cụ thể, theo bà Bình, sau khi chứng kiến mức tăng vào đầu năm 2022, TTCK Việt Nam đã có mức giảm điểm tương đối mạnh. Thanh khoản thị trường cũng có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, giá trị giao dịch bình quân sang tháng 5, thanh khoản chỉ đạt bình quân 17.773 tỷ đồng/phiên, giảm 32% so với tháng 4 và bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Mặc dù diễn biến giảm điểm đã làm nhiều nhà đầu tư e ngại khi tham gia thị trường, song bà Bình cho biết, vẫn có một số điểm sáng trên thị trường như nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng mua ròng trở lại trong những tháng gần đây. Tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.193 tỷ đồng cổ phiếu. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư vẫn coi đây là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời điểm hiện tại.

Theo bà Bình, các dự báo phát triển của TTCK Việt Nam sẽ phụ thuộc khá nhiều vào TTCK toàn cầu. Hiện nay, tình hình kinh tế - chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động đến TTCK. Căng thẳng Nga – Ukraine, chính sách phong toả nghiêm ngặt nhằm đối phó với COVID-19 của Trung Quốc, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế; kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại (IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 chỉ đạt 3,6%, WB dự báo ở mức 2,9%). “Đặc biệt, yếu tố giá cả lương thực, năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tăng cao tác động tiêu cực đến chi phí đầu vào và lợi nhuận của các doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát lên các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam”, bà Bình chỉ ra.

Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý so với các thị trường trong khu vực. Bà Bình nhận định, thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc cũng sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm trong thời gian tới. Với bối cảnh hiện nay, diễn biến của TTCK trong nửa cuối năm 2022 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, về vấn đề điều hành thị trường trong thời gian tới, trong bối cảnh thị trường có những biến động mạnh, UBCK Nhà nước sẽ có những thay đổi chính sách, trong đó chú trọng nâng cao các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững.

Theo bà Bình, một điểm nhấn đáng chú ý trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường, đặc biệt là siết chặt công tác giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK. “Bộ Tài chính vừa qua cũng đã có động thái về việc hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK riêng lẻ hoặc xử lý vi phạm với hoạt động chào bán phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho thấy đây không phải động thái siết chặt thị trường, mà để thị trường tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, đồng thời bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư”, bà Bình cho biết.

Cùng với đó, từ nay đến cuối năm, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán sẽ khẩn trương đưa hệ thống công nghệ thông tin vào vận hành. Đây là giải pháp công nghệ cho toàn bộ TTCK, cung cấp sự thay đổi cho thị trường giao dịch và thị trường thanh toán; nhằm giải quyết tăng trưởng và hỗ trợ triển khai các giải pháp giao dịch mới cũng như giải pháp thanh toán bù trừ mới; hỗ trợ tốt hơn cho việc nâng hang thị trường trong thời gian tới. Trong bối cảnh rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, bà Bình cho biết thêm sẽ tập trung xử lý các vấn đề kỹ thuật để hỗ trợ cải thiện thanh khoản thị trường và các giao dịch trên TTCK. Ngoài ra, trong vấn đề giao dịch lô lẻ, sắp tới Sở GDCK TP Hồ Chí Minh đang kiểm tra với các thành viên lưu ký để có thể sớm quay trở lại theo dự kiến vào tháng 8.

Về việc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp cho các trái phiếu phát hành trong đợt phát riêng lẻ, bà Bình cho biết, đã xây dựng cơ bản Thông tư về tổ chức thị trường. Cùng với đó, Sở GDCK Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm lưu ký chứng khoán để chuẩn bị hạ tầng giao dịch. “Điều này sẽ tạo sân chơi công bằng, minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư khi muốn tham gia giao dịch thứ cấp; đồng thời là công cụ cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát quản lý thị trường này”, bà Bình nhấn mạnh.

Bà Bình cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thanh tra giám sát thị trường chứng khoán. Tăng cường rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK như thao túng chứng khoán, công bố thông tin không đúng sự thật, các hành vi tái phạm, cố tình vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin nhằm đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.

Về dài hạn, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức canh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến hành rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý phù hợp. "Đồng thời, tăng cường sự tham gia của các định chế đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo TTCK phát triển bền vững, hướng tới việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất" - bà Bình khẳng định./.

 

 

 
Kim Dung
148 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1163
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1163
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87181800