Sáng 30/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 ngành Nội vụ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
5 năm, tinh giản hơn 67 nghìn người
|
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: KT) |
Điểm lại những kết quả công tác giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, thành công nổi bật của ngành trong nhiệm kỳ này là việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và về quản lý biên chế, tinh giản biên chế.
Cụ thể, bộ máy tại các bộ, ngành Trung ương giảm 12 vụ và tương đương; Cục và tương đương tăng 7 tổ chức; Tổng cục và tương đương tăng 2 tổ chức.
Ở địa phương, các cơ quan chuyên môn (sở, ngành) giảm 5 tổ chức; phòng giảm 973 tổ chức; chi cục giảm 127 tổ chức; phòng thuộc chi cục giảm 1.179. Tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh giảm 12.
Trong khi đó, ở cấp huyện, cơ quan chuyên môn giảm 294 tổ chức, trong đó có 278 phòng Dân tộc.
Liên quan đến việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành giảm 10 tổ chức; thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục tăng 6 tổ chức; thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ giảm 24 tổ chức.
Ở địa phương, số đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 3.800 đơn vị (7,33%).
Theo Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, về biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là hơn 247.300 biên chế, giảm hơn 27.500 biên chế (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Về biên chế sự nghiệp, năm 2021 là gần 1,8 triệu người, giảm gần 243 nghìn biên chế (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Bên cạnh đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay là hơn 1,03 triệu người, giảm hơn 147.000 người (tương ứng 12,49% so với năm 2015).
Trong giai đoạn năm 2015-2020, cả nước đã tinh giản được hơn 67.200 người, gồm gần 5.000 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và hơn 62.200 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở địa phương.
Trong số này, gần 55 nghìn người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, gần 12.200 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 67 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề và 80 người hưởng chính sách do chuyển sang tổ chức khác....
Theo Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, năm 2021, Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động của năm là "Kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Theo đó, Bộ tập trung chỉ đạo, tổ chức tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo phân công của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Bộ đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định của Chính phủ và phù hợp với cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không đáp ứng được yêu cầu công việc và vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ...
Thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Nội vụ đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trương Hòa Bình chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà toàn ngành Nội vụ cần tập trung khắc phục. Đó là: Công tác truyền thông có mặt chưa sâu rộng, hiệu quả còn hạn chế, chưa tạo được sự thống nhất cao, đồng bộ trong nhận thức về chủ trương xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả dẫn đến có không ít địa phương chưa chủ động, thường xuyên, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Nội vụ trong sắp xếp các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Một số cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu chưa kiên quyết, tập trung thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc còn có tư tưởng chờ đợi kết quả của các bộ, ngành, địa phương khác rồi mới triển khai thực hiện theo…
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: KT) |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, trong đó nhiệm vụ của ngành Nội vụ có vị trí, vai trò rất quan trọng, thiết thực xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đảm bảo công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Theo đó, đồng chí đề nghị ngành cần tập quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và mục tiêu kế hoạch 05 năm 2021-2025 để xây dựng chương trình công tác cho cả nhiệm kỳ, trong đó lưu ý tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà bộ, ngành Nội vụ được phân công.
Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Phát huy vai trò là cơ quan thường trực về cải cách hành chính. Trước mắt, ngành khẩn trương tham mưu Chính phủ tiến hành tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030.
Đồng chí Trương Hòa Bình cũng đề nghị, Bộ tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, lưu ý rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, phối hợp có hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ; chủ động trong việc phối hợp tổ chức thẩm định trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, quyết định về tổ chức của cơ quan để triển khai Đề án, cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới; rà soát, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị bên trong bộ, ngành và địa phương theo các tiêu chí quy định, có cơ chế phối hợp hiệu quả trong xử lý các vấn đề liên ngành hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. “Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ, chú trọng đến phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp, chứng chỉ” – Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý.
Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ do sắp xếp tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu có giải pháp đồng bộ dài hơi để khắc phục tình trạng thiếu biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, bảo đảm nguyên tắc có học sinh thì phải có giáo viên, có người bệnh thì phải có nhân viên y tế; tham mưu thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng văn hóa công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý trên một số lĩnh vực ngành: Hoàn thiện thể chế quản lý hội, tổ chức phi chính phủ; tham mưu Chính phủ trong việc theo dõi việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật Thi đua - Khen thưởng sửa đổi bảo đảm tính đồng nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư - lưu trữ; bảo quản kho lưu trữ khoa học, hiện đại…
“Trước mắt, toàn ngành chủ động, tích cực tập trung tham mưu Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm đúng quy định của pháp luật” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ tin tưởng, bộ, ngành Nội vụ trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng nền hành chính, nền công vụ thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.