Chú trọng làm tốt việc tái đàn lợn có kiểm soát 

(ĐCSVN) - Các địa phương cùng với biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt cần chú trọng làm tốt công tác tái đàn lợn có kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn lợn ở những nơi đã có dịch mà đáp ứng đủ điều kiện tái đàn và mở rộng quy mô đàn ở những nơi vẫn đang còn an toàn dịch.

 

Đó là một trong những đề nghị của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhằm ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn hiện nay và các tháng đầu năm 2020.

 Ảnh minh họa (Ảnh: KV)

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tổng đàn lợn hiện nay của cả nước là 24,9 triệu con với đàn nái là 2,7 triệu con. Với số lượng này sẽ chủ động được nguồn cung con giống cho sản xuất. Đồng thời, các cơ sở chăn nuôi đã tái đàn từ tháng 7/2019 và vẫn duy trì thường xuyên công tác tăng đàn và tái đàn, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được duy trì và phát triển.

Tình hình kiểm soát dịch bệnh ngày càng chủ động, đảm bảo duy trì được tổng đàn lợn có mặt thường xuyên từ nay đến quý I/2020 ở mức 25-25,5 triệu con và nguồn lợn thịt chủ yếu là ở các công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn. Những cơ sở này có đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đây cũng là các cơ sở thường xuyên duy trì việc tăng và tái đàn, cung cấp lợn thịt cho thị trường, do đó nguồn cung thịt lợn sẽ được ổn định và ngày càng tăng lên đáp ứng tương đối đủ nhu cầu tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều địa phương, cơ sở chăn nuôi không xảy ra dịch đã chủ động tăng đàn, tái đàn rất tốt như: Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Định, Đồng Nai… Nhiều tỉnh chuyển đổi tăng cường các vật nuôi khác như: Bắc Giang, Hòa Bình, Bến Tre.

Tuy nhiên, nhiều địa phương còn e ngại và thận trọng với công tác tái đàn nên các biện pháp kỹ thuật mà Bộ khuyến cáo chưa được triển khai triệt để, nhất là một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng trọng điểm xảy ra dịch và khu vực các tỉnh phía Nam. Nhiều địa phương đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thông qua kế hoạch tái đàn. Đây cũng là một trong những nguyên do phát sinh thêm vấn đề thiếu hụt nguồn cung lợn thịt cho thời điểm các tháng cuối năm 2019 và Quý I năm 2020.

Nhằm ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn hiện nay và các tháng đầu năm 2020, theo Cục Chăn nuôi, cần thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các loại thực phẩm của từng vùng, nhất là mặt hàng lợn thịt để người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá lên cao bất thường.

Bên cạnh đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho vấn đề lưu thông mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt lợn, lợn thịt và lợn giống giữa các vùng; tạo điều kiện để các hộ giết mổ nhỏ lẻ được tiếp cận với nguồn lợn thịt thông qua các điểm mở bán lợn thịt công khai có kiểm soát an toàn dịch tại các huyện, thị.

Cùng với đó, duy trì việc kiểm soát dịch bệnh. Các địa phương cùng với biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt cần chú trọng làm tốt công tác tái đàn lợn có kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn lợn ở những nơi đã có dịch mà đáp ứng đủ điều kiện tái đàn và mở rộng quy mô đàn ở những nơi vẫn đang còn an toàn dịch, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học theo Văn bản 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu phi (DTLCP). Trong chỉ đạo, cần tránh tư tưởng “hết dịch mới tái đàn” vì DTLCP sẽ còn tồn tại một thời gian dài.

Song song với công tác phòng chống quyết liệt bệnh DTLCP, các địa phương cần triển khai tốt các biện pháp phát triển các loại vật nuôi khác để giữ mức tăng trưởng và góp phần cân đối thị trường thực phẩm bù đắp phần thiếu hụt của mặt hàng thịt lợn do dịch bệnh gây ra.

Cùng với đó, thực hiện sản xuất chăn nuôi theo hình thức chuỗi liên kết đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Hội, Hiệp hội ngành hàng. Cần xây dựng các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng mã định danh, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi lợn tại thời điểm tháng 12/2019 giảm 11,5% so với cùng thời điểm năm 2018. Trong 9 tháng năm 2019, giá lợn thịt hơi trong nước duy trì ở mức thấp và ít biến động so với các nước xung quanh trong khu vực. Tuy nhiên đến quý IV và đặc biệt đến giữa tháng 12 năm 2019, giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng lên mức 85.000 đ/kg. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của bệnh DTLCP, nguồn cung cấp thịt lợn giảm đáng kể và đặc biệt thông tin về giá thịt lợn hơi không chính xác đã đẩy giá tăng lên.

Tại một số nơi từ thời điểm giữa tháng 12, giá thịt lợn hơi tăng cao đến trên 90.000 đ/kg. Các nguồn thông tin vừa qua chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt đã gây ra hiệu ứng lan tỏa giá lợn trong nước tăng cao do thiếu nguồn cung. Những ngày gần đây giá thịt lợn hơi đã giảm ở mức 82-84 nghìn đồng/kg./.

 
BT
239 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 905
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 905
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77951728