|
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết nhiệm vụ hiện nay và tới đây sẽ hết sức nặng nề, nhưng Uỷ ban sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. - Ảnh: VGP/Thành Chung |
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2018), Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước đã gặp mặt một số lãnh đạo, các phóng viên, biên tập viên của một số cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương.
Buổi gặp mặt do ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì. Cùng dự có ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Gửi lời chúc những người làm báo giữ vững “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh khẳng định vai trò và trách nhiệm to lớn của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về thành lập Uỷ ban và Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Uỷ ban. Tới nay, Nghị định quy định chức năng, cơ cấu, nhiệm vụ của Uỷ ban đang được các cơ quan có liên quan cho ý kiến góp ý để Chính phủ thông qua.
Song song với việc xây dựng Nghị định, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết Uỷ ban với các nhân sự biệt phái từ các bộ, ngành đang chuẩn bị các công việc cần thiết để khi Chính phủ ban hành Nghị định thì Uỷ ban sẽ hoạt động được ngay.
4 công việc hiện nay của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp:
- Tích cực phối hợp xây dựng và hoàn thiện Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban.
- Xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế chuyển giao doanh nghiệp về Uỷ ban.
- Xây dựng và hoàn thiện kế hoạch hành động của Uỷ ban năm 2018 và mục tiêu tới năm 2030.
- Hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân sự, cơ sở làm việc.
|
Hiện nay, Uỷ ban đang xây dựng hệ thống công nghệ về quản lý văn bản, nhân sự và đặc biệt là phần mềm quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc Uỷ ban với bộ chỉ số quản lý của 4 nhóm ngành hàng theo tiêu chuẩn của khối các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD. Ngoài bộ chỉ số chung cho từng nhóm, Uỷ ban cũng thiết lập bộ chỉ số riêng cho từng doanh nghiệp, có so sánh với số liệu sản xuất kinh doanh, mức độ an toàn vốn của các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Theo đó, các cán bộ của Uỷ ban không cần trực tiếp xuống doanh nghiệp nhưng vẫn nắm được tình hình như nhân sự, tổng số vốn, chi tiêu ngân sách, tiền lương, năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh… Sự biến động của các chỉ số này cũng như mức độ cảnh báo về an toàn được tích hợp trong chức năng của hệ thống này.
“Trước mắt, với một số doanh nghiệp đã có nền tảng hạ tầng công nghệ tốt, khi kết nối với hệ thống thông tin của Uỷ ban thì không cần đợi doanh nghiệp báo cáo chúng tôi mới có số liệu mà lúc nào Chính phủ, Thủ tướng cần là chúng tôi có để báo cáo ngay”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết.
Cũng theo Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, là cơ quan mới thành lập, Uỷ ban có nhiều thuận lợi và quán triệt chỉ đạo của Chính phủ trong ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý doanh nghiệp, kết nối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, từng bước đổi mới phương thức quản lý hiện đại, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết nhiệm vụ hiện nay và tới đây sẽ hết sức nặng nề, nhưng Uỷ ban sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước theo yêu cầu của các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Được sự đồng ý của lãnh đạo Chính phủ, Uỷ ban dự kiến tiếp nhận quyền đại diện vốn nhà nước từ 18 doanh nghiệp từ các bộ, ngành chứ không phải 21 doanh nghiệp như đề xuất ban đầu vì đưa 3 doanh nghiệp có quy mô nhỏ ra khỏi danh sách này.
Thành Chung