Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương: Dù vẫn còn những thách thức, nhưng với các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ và cơ quan quản lý, TTCK được kỳ vọng sẽ có một năm khởi sắc cả về quy mô lẫn chất lượng
Kỳ vọng bứt phá nhờ nền tảng vững chắc
Về những yếu tố tác động đến TTCK năm 2025, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương cho rằng: TTCK năm 2025 sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cả trong nước lẫn quốc tế.
Ở bên ngoài, kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng còn rủi ro. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,2% trong năm 2025, tương đương mức năm trước. Tuy nhiên, các yếu tố như xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị hay đồng USD mạnh vẫn là những rủi ro tiềm ẩn.
Ở trong nước, môi trường kinh doanh được cải thiện nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính và mở rộng đầu tư. Với chính sách điều hành linh hoạt, sự hỗ trợ của Chính phủ, Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Các chính sách tài chính và chứng khoán được hoàn thiện: Luật Chứng khoán sửa đổi cùng Thông tư 68/2024/TT-BTC đã tháo gỡ nhiều nút thắt, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư, đặc biệt là từ khối ngoại.
Thông tư 68/2024/TT-BTC là bước tiến quan trọng trong việc tháo gỡ nút thắt pháp lý, đặc biệt là nghiệp vụ giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước bằng tiền, đã giúp Việt Nam đáp ứng nhiều tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell.
Những yếu tố này kết hợp với sự quyết tâm của Chính phủ hứa hẹn sẽ tạo nền tảng vững chắc cho TTCK phát triển ổn định trong năm mới.
Nỗ lực với mục tiêu nâng hạng thị trường
Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương cho biết: Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của TTCK Việt Nam trong năm 2025 là nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đây không chỉ là bước tiến về mặt danh tiếng mà còn mở ra cánh cửa thu hút dòng vốn quốc tế.
Bộ Tài chính, UBCKNN vẫn đang tiếp tục làm việc với bộ, ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. Các bộ, ngành cũng đang tích cực triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tại thị trường Việt Nam, như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, cập nhật và công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nhà nước tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với NĐT nước ngoài.
Ngoài ra, UBCKNN đã và đang tích cực chủ động làm việc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng, các NĐT quốc tế lớn nhằm tuyên truyền về chủ trương, định hướng và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường; tăng cường phối hợp với các NĐT tổ chức nước ngoài để giải đáp thắc mắc và ghi nhận, tháo gỡ các khó khăn của NĐT nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của NĐT nước ngoài về mục tiêu nâng hạng TTCK của Việt Nam.
Việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các NĐT nước ngoài, tuy nhiên, qua ghi nhận từ các tổ chức quốc tế, trong nước, Việt Nam có nhiều cơ hội để FTSE Russell nâng hạng theo đúng lộ trình.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho hay, để cải thiện cơ chế vận hành, UBCKNN đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp, tăng cường công khai tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp niêm yết và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giám sát thị trường...
Nếu đạt mục tiêu nâng hạng, TTCK Việt Nam có thể thu hút hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới, đồng thời nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường.
Giao nhiệm vụ cho ngành Chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng, ngành Chứng khoán phải nỗ lực không ngừng từ tất cả các thành viên thị trường, từ việc cải cách cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt thu hút NĐT quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho NSNN, cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để TTCK Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các NĐT trong và ngoài nước.
Để đạt được sự kỳ vọng của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam, khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu của nền kinh tế, góp phần hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế đất nước, trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển TTCK, trong đó, tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT, tạo động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững; tiếp tục triển khai các giải pháp, đáp ứng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu nâng hạng.
Thứ hai, tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sắp xếp, phân loại, mở rộng thị trường; cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường; cơ cấu lại cơ sở NĐT và cơ cấu lại tổ chức thị trường để mở rộng hơn nữa cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn.
Thứ ba, tập trung chiến lược cho phát triển các NĐT có tổ chức thông qua việc mở rộng quy mô và phát triển đa dạng các loại hình quỹ đầu tư trên TTCK. Ngoài ra, tiếp tục đồng bộ các giải pháp, phấn đấu sớm được nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi để thu hút tốt hơn sự quan tâm, tham gia đầu tư của các tổ chức nước ngoài.
Thứ tư, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về chứng khoán và TTCK. Siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để TTCK phát triển minh bạch và bền vững. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý và giám sát thị trường, đảm bảo thị trường vận hành an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT.
Thứ năm, tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo, nâng cao hiểu biết và kiến thức về tài chính, chứng khoán cho NĐT, hình thành được các lớp NĐT chứng khoán có nền tảng kiến thức cơ bản, kỹ năng giao dịch chuyên nghiệp, gia tăng số lượng NĐT có tổ chức tham gia thị trường.
"Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính; sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Chứng khoán và sự ủng hộ, chung sức của thành viên thị trường, doanh nghiệp, NĐT trong nước và quốc tế…. với các giải pháp quan trọng nêu trên, TTCK Việt Nam sẽ nắm bắt tốt cơ hội để có bước phát triển đột phá cả về chất lượng và quy mô, nâng tầm vị thế và sẵn sàng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc", Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương kỳ vọng.
Anh Minh