"Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng Việt Nam" 

Ngày 19/8, tại tỉnh An Giang, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo khoa học “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các học giả, nhà khoa học, đại diện các viện, trường, đại diện gia đình Chủ tịch Tôn Đức Thắng và lãnh đạo tỉnh An Giang.  

Báo cáo đề dẫn của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đã nhấn mạnh, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018) là dịp để ôn lại cuộc đời cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 45 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan ở Trung ương và địa phương. 

Tại hội thảo, với chủ đề “Hoạt động và cống hiến của đồng chí Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam”, tham luận của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã nêu các nội dung như: Những ảnh hưởng đến sự lựa chọn trở thành người công nhân của đồng chí Tôn Đức Thắng; Tích cực tham gia phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn, góp phần vào sự chuyển biến của giai cấp công nhân Việt Nam từ “giai cấp tự mình” đến “giai cấp cho mình” (1906-1916); Thành lập Công hội bí mật và lãnh đạo các cuộc bãi công của công nhân Sài Gòn (1920-1930); Kiên cường trong ngục tù đế quốc (1930-1945) và cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng (1945-1980); Những bài học kinh nghiệm từ hoạt động và cống hiến của đồng chí Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. 


Tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Trường - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, trong suốt 15 năm bị giam cầm tại Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng trở thành “linh hồn” của những người tù chính trị Côn Đảo. Là người sáng lập và lãnh đạo chi bộ đặc biệt của Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng là trung tâm đoàn kết của chi bộ và của hội tù nhân. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với tham luận “Đồng chí Tôn Đức Thắng - Người tiêu biểu nhất trong thực hiện và làm phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc” đã khẳng định, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương nhân cách của nhà lãnh đạo khối đại đoàn toàn kết dân tộc, là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Đồng chí Võ Anh Kiệt -  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang trình bày tham luận với chủ đề "Đảng bộ và nhân dân An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Tôn Đức Thắng". Tham luận nhấn mạnh học tập và làm theo Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hành trang giúp Đảng bộ và nhân dân tỉnh vững bước trên con đường xây dựng và phát triển, xứng đáng là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng. 

Hình ảnh tại Hội thảo. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Kết luận hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, các tham luận đã làm rõ hoạt động và cống hiến của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với vai trò là người sáng lập, tổ chức công hội đầu tiên ở Việt Nam, người chiến sĩ tiên phong và vị lãnh tụ của giai cấp công nhân Việt Nam. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người cộng sản mẫu mực, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Thành công của hội thảo làm rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, những đóng góp to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với Đảng và cách mạng Việt Nam, góp phần vào việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời góp phần thực hiện thành công Nghị quyết XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII)./. 

Vương Thoại Trung/TTXVN

705 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1489
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1489
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87108991