Chủ tịch Quốc hội cho biết, chuyến thăm lần này nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp nói chung và quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Pháp nói riêng, góp phần tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong đó hợp tác kinh tế-thương mại là một trọng tâm.
Việt Nam đánh giá cao chính sách của Pháp trong tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, mong muốn các DN Pháp mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện để các DN nước ngoài, trong đó có các DN Pháp hoạt động tại Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, nhiều DN lớn của Pháp như Air Liquide, Total đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Nhiều DN cũng bày tỏ quan tâm đối với lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng hàng không, logistics, dược phẩm, y tế, xây dựng chợ đầu mối và cung ứng thực phẩm sạch.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiến trình hội nhập mà Việt Nam cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, qua đó đảm bảo tính minh bạch, công khai, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về phía Chính phủ sẽ quản lý điều hành tạo môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, thuận lợi thông thoáng, với việc cải cách hành chính sâu rộng từ giai đoạn thành lập DN cho đến hải quan, thuế vụ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế mang tính kết nối cao, hướng tới một nền kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh. Trong khi Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử, Quốc hội cũng sẽ xây dựng Quốc hội điện tử. Chính phủ và Quốc hội sẽ đồng hành cùng DN, nhà đầu tư, giải quyết các khó khăn vướng mắc bởi sự thành công của DN Pháp là thành công của Việt Nam.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp lãnh đạo Tập đoàn Safran. Ảnh: TTXVN |
Tập đoàn Safran sẵn sàng đầu tư sản xuất lâu dài tại Việt Nam
Chiều 1/4 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn Hàng không vũ trụ và quốc phòng (Safran), Pháp.
Bày tỏ vui mừng gặp mặt lãnh đạo Tập đoàn Safran, một tập đoàn có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ, Chủ tịch Quốc hội thông báo chuyến thăm Pháp của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược với Pháp đi vào thực chất, hiệu quả hơn, trong đó có hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Chia sẻ kết quả làm việc với đại diện 15 DN Pháp vào sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nhiều DN Pháp mong muốn đầu tư tại Việt Nam và hiện tại có 200 DN Pháp đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2018 mới đạt mức khoảng 5 tỷ USD là còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Về phần mình, đại diện Tập đoàn Safran cho biết, Safran là tập đoàn công nghiệp hàng không hàng đầu của Pháp và thế giới, với 92.000 nhân công. Safran tập trung vào hai lĩnh vực hoạt động chính là hàng không (chuyên sản xuất động cơ, nội thất, chân, lốp, cáp máy bay…) và vũ trụ.
Tại Việt Nam, Safran đã có quan hệ hợp tác với các đối tác từ năm 1994 và chính thức mở văn phòng tại Việt Nam từ năm 1997. Safran mở đầu quan hệ hợp tác tại Việt Nam với Vietnam Airlines và Pacific Airlines. Sự hiện diện của Safran tại Việt Nam càng đậm nét hơn kể từ khi hãng hàng không Vietjet Air ra đời.
Nhất trí với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước còn khiêm tốn, đại diện Tập đoàn Safran khẳng định Safran sẵn sàng và rất tích cực để tiến xa hơn nữa về hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn tập đoàn Safran đã có mặt tại Việt Nam suốt 22 năm qua, chúc mừng Safran đã tìm được những đối tác chiến lược tại Việt Nam, trong đó có Vietjet Air. Safran cũng hợp tác hiệu quả với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị lãnh đạo Tập đoàn Safran nghiên cứu việc xây dựng cơ sở bảo dưỡng động cơ, sản xuất phụ tùng và vật tư thiết yếu phục vụ ngành hàng không tại Việt Nam; chuyển giao công nghệ công nghiệp phụ trợ và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực này để tăng hiệu quả hợp tác.
Đại diện Tập đoàn Safran khẳng định, Safran sẵn sàng đầu tư sản xuất lâu dài tại Việt Nam.
(theo TTXVN)